Diễn đàn nhằm tạo ra những chuyển đổi sâu sắc cả về nhận thức lẫn hành động, huy động được sự tham gia toàn diện của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
TTXVN - Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế số của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh và có nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới. Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, huy động các sáng kiến đóng góp cho lộ trình phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, ngày 14/9, tại tỉnh Nam Định, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì cùng Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I.
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bí thư tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cùng gần 1.000 đại biểu cấp cao phụ trách chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đến từ khối Chính phủ, tài chính, ngân hàng, viễn thông, bán lẻ, thương mại điện tử...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; việc tổ chức thường niên Diễn đàn nhằm tạo ra những chuyển đổi sâu sắc cả về nhận thức lẫn hành động, huy động được sự tham gia toàn diện của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định kết quả đạt được thời gian qua là rất tích cực nhưng thực tiễn phát triển kinh tế số, xã hội số vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như số lượng nền tảng số quốc gia triển khai rộng rãi chưa nhiều. Nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. Thói quen của người dân còn chưa "thực sự sẵn sàng" cho nền kinh tế số...
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đề cập đến một số vấn đề cơ bản là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. Các bộ ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng "Make in Việt Nam", biến công nghệ số thành động lực quan trọng cho sáng tạo, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp đến là các vấn đề về cơ sở dữ liệu quốc gia, các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số và hệ sinh thái công dân số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 15%. Để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào nằm 2025 thì kinh tế số phải tăng trưởng 3-4 lần tăng trưởng GPD; đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phát triển kinh tế số Việt Nam dựa trên 3 trụ cột gồm: Quản trị số; Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị cho nền kinh tế và Phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) chiếm 20 - 30% và 70 - 80% là kinh tế số ngành.
Diễn đàn Kinh tế số, xã hội số lần thứ I tập trung vào chủ đề mang nền tảng số đến với hộ gia đình - đây là cách làm của Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi số. Đó là mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số và được tham gia và thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số; công nghệ số, các nền tảng số hiện diện trong từng hộ gia đình, mọi sinh hoạt hoạt của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định mục tiêu của phát triển kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn, mục tiêu phát triển của xã hội số là làm cho người dân hành phúc hơn nhờ công nghệ số; các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo phải được sử dụng đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị mong muốn thông qua sự kiện, Nam Định được trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm để hoàn thiện những cơ chế, chiến lược thu hút, hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I gồm 1 phiên cấp cao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền chia sẻ những chủ trương, chính sách, tầm nhìn nhằm thúc đẩy và hỗ trợ cho tiến trình phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt tới từng tập thể, hộ gia đình, cá nhân. Cùng với đó là 3 phiên hội thảo chuyên đề diễn ra đồng thời vào chiều 14/9 về các chủ đề: Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng kinh tế số; Phát triển công nghiệp, công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện; Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.
Bên lề Diễn đàn là triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển kinh tế số với sự tham gia của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay như Viettel, VNPT, Misa, Mobifone, FPT, Shopee, VNPay.../.