Xã hội

Kinh tế - xã hội của Phú Thọ thêm nhiều gam mầu tươi sáng

Phú Thọ

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Phú Thọ đạt 7,22%, đứng thứ 3/14 tỉnhtrong vùng trung du miền núi phía Bắc và đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cảnước.

TTXVN - Sáu tháng đầu năm 2023, cùng với cả nước, tỉnh Phú Thọ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội. Song, với sự chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, hiệu quả, đặc biệt là nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn trong thực hiện khâu đột phá, bức tranh kinh tế - xã hội của Phú Thọ đã thêm nhiều gam mầu tươi sáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,22%, đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc và đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

*Chỉ đạo trọng tâm, điều hành hiệu quả

Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; trọng tâm là thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Tỉnh ủy.

Công nhân Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vận chuyển phân bón lên xe của khách hàng. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, chú trọng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất; đẩy mạnh hỗ trợ và đảm bảo các hoạt động an sinh xã hội cho các đối tượng trên địa bàn...

Điểm sáng trong 6 tháng đầu năm của Phú Thọ là tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình, dự án quan trọng về giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức chỉ đạo triển khai, hoàn thành các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn đầu tư năm 2023 và ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025…

Theo ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ, để phát huy hiệu quả sau đầu tư của hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông đối ngoại và tận dụng cơ hội, đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, mở rộng các khu, cụm công nghiệp, chuẩn bị mặt bằng sạch để thu hút, mời gọi đầu tư; giải quyết những tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp với tầm nhìn chiến lược... 

Sáu tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 18.500 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ; trong đó vốn khu vực ngoài nhà nước đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 15,8%. Việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư công năm 2023 được thực hiện kẩn trương, đảm bảo giao vốn kịp thời gần 4.300 tỷ đồng. Đặc biệt, Phú Thọ đã đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác về đầu tư công, chú trọng biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngay từ những tháng đầu năm. Đến nay, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 34% tổng nguồn vốn (trung bình cả nước đạt 20,8%).

Thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, Phú Thọ chú trọng rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn; đặc biệt là quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan đến các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp... Qua đó, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi, nhanh chóng trong giải quyết các thủ tục, nhất là thủ tục về đất đai, quy hoạch, chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất... góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Sáu tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thu hút và mở rộng 102 dự án; trong đó 70 dự án DĐI (dự án có vốn đầu tư trong nước) tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng; 32 dự án vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), tổng vốn đầu tư 52,2 triệu USD. Toàn tỉnh có thêm hơn 500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký gần 11.000 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh lên hơn 11.000 doanh nghiệp, đạt 100,8 % mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Cùng với đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào hoạt động một số dự án đầu tư mới, bổ sung năng lực mới tăng thêm cho ngành công nghiệp. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết, xử lý các vấn đề về đất đai, đấu giá đất tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, chủ động tháo gỡ điểm nghẽn, có sự chuyển biến rõ nét.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Phú Thọ tăng trưởng ổn định, tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế. Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục là động lực quan trọng với giá trị tăng thêm sáu tháng đầu năm đạt 6,46%. Sản xuất công nghiệp dù gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, thiếu đơn hàng, nhiều ngành hàng truyền thống, sản phẩm chủ lực giảm sâu so cùng kỳ, song toàn tỉnh vẫn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng 10,11% (đưa Phú Thọ nằm trong nhóm 10/63 tỉnh có tốc độ tăng cao).

*Tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XII vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu nhấn mạnh, những kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, nhất là tăng trưởng GRDP đạt ở mức cao thực sự là "con số biết nói", ẩn chứa đằng sau là cả sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Những con số đó cho thấy các giải pháp tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Phú Thọ đang thực hiện, đặc biệt là việc phát huy sức mạnh nội lực đã đi đúng hướng. 

Trên đà tăng trưởng đó, để triển khai hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ trong quý III và cả năm, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu các đơn vị, địa phương phải nỗ lực phấn đấu, triển khai công việc với tinh thần tập trung cao, quyết liệt, hiệu quả để đạt các mục tiêu đã đề ra; trong đó, cần rà soát, nhận diện những khó khăn, thách thức để kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, vượt khó khăn. Quan điểm là kiên định với mục tiêu, kịch bản phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023.

Dây chuyển sản xuất gạch men phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu của Công ty CP gạch men TASA, khu CN Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đặc biệt, để phát triển kinh tế, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, các ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Đồng thời, rà soát lại các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm và thu hồi, giao lại cho các nhà đầu tư khác có năng lực hơn.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu, chi ngân sách, gắn với quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở các cấp ngân sách; tăng cường quản lý việc chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ đọng thuế, đồng thời nghiên cứu các quy định, chế tài để thu thuế từ các doanh nghiệp thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh nhưng lại có trụ sở ở địa phương khác.

Nghiêm túc thực hiện việc rà soát lại các nguồn thu ngân sách cho giai đoạn 2023 - 2025 để điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công cấp tỉnh và cấp huyện nhằm đảm bảo hiệu quả, thiết thực và phù hợp với nguồn lực.  Đặc biệt, phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, nhằm tiếp tục tạo động lực, nền tảng cho tăng trưởng, phát triển không chỉ trong năm 2023 mà còn cho các năm tiếp theo./.

PV

Xem thêm