Phú Thọ xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
TTXVN - Tỉnh Phú Thọ xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân, đồng thời mở rộng thị trường, quảng bá và tiêu thụ nông sản. Do vậy, việc chuyển đổi số trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang được quan tâm đẩy mạnh. Đây được coi là “chìa khóa” tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay, góp phần giúp nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững.
*Lợi ích “kép” trong chuyển đổi số
Là 1 trong 63 hợp tác xã tiêu biểu trên toàn quốc, hợp tác xã chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023. Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, Phó Giám đốc hợp tác xã chia sẻ, trong khâu tiêu thụ nông sản hiện nay, nếu chỉ qua các kênh bán hàng truyền thống thì rất khó để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, nhờ công nghệ thông tin bùng nổ, người tiêu dùng hiện nay chỉ cần lên mạng là có thể tìm hiểu được đầy đủ các thông tin về sản phẩm mình muốn mua. Vì thế, ngay từ khi thành lập hợp tác xã, đơn vị đã xác định phải thực hiện chuyển đổi số để xây dựng thương hiệu.
Hiện hợp tác xã có trang Web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có fanpage trên mạng xã hội Facebook. Nhờ đó, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã biết đến chè xanh Cẩm Mỹ và đặt hàng.
Trong diện tích 30 ha chè, hợp tác xã Cẩm Mỹ đã có hơn 15 ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 240 tấn chè búp tươi/năm. Số sản lượng này sau khi được chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh đã được bán ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên nền tảng kỹ thuật số. Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu, thời gian tới hợp tác xã sẽ tiếp tục đăng ký để thành lập trang của mình trên các mạng xã hội được nước ngoài quan tâm như Twiter, Instagram…
“Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như dự báo nhu cầu thị trường chính xác, nguồn cung sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu chi phí phân bón, tưới tiêu. Đặc biệt, chuyển đổi số còn giúp hoàn thành những công việc con người khó thực hiện được như giám sát tình trạng cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh...
Thông qua việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn tạo ra nhiều giá trị gia tăng, truy xuất nguồn gốc, theo dõi quá trình tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn với giá cả hợp lý…”, chị Cẩm Mỹ cho biết thêm!
Năm 2022, Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ được Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Chè Phú Thọ”; sản phẩm chè xanh thơm Kim Tuyên Cẩm Mỹ đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng bốn sao.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê cho biết, hợp tác xã được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu; tạo lập các mã quét, mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng, phần mềm. Hợp tác xã đã đẩy mạnh việc thanh toán qua các nền tảng trực tuyến, ví điện tử, ngân hàng số (Internet banking), Mobile money… để thuận tiện hơn cho khách hàng. Nhờ việc ứng dụng số đã giúp việc lưu trữ hồ sơ thuận tiện, an toàn, giảm bớt giấy tờ, thời gian, nhân lực. Ngoài ra, đơn vị còn áp dụng chuyển đổi số còn tạo tính minh bạch bởi khách hàng có thể biết được quy trình từ sản xuất đến chế biến…
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ khẳng định, việc ứng dụng khoa học-công nghệ, thúc đẩy chuyển đối số trong nông nghiệp là nhu cầu tất yếu, bước đầu đã mang lại những kết quả nổi bật. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm 166 vùng bưởi với diện tích hơn 2.600 ha; 70 vùng chè với diện tích 5.800 ha; 33 vùng chuối với diện tích hơn 1.000 ha; cấp được 41 mã số vùng trồng với diện tích gần 1.500 ha cho các sản phẩm như chuối, bưởi, rau; hơn 3.000 ha bưởi sản xuất theo hướng an toàn; 78% cây trồng chính được ứng dụng quản lý dịch hại; 25 hợp tác xã, 82 trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đã chuyển giao nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô cho nhiều giống cây nông, lâm nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực.
*Chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị cho nông sản, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Nhiệm vụ chuyển đổi số được xây dựng trên ba trụ cột gồm: Bộ số; kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số; nông dân số. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn phần mềm hoạt động đa nền tảng phục vụ chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng, vận hành phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng “Agritech - Chuỗi nông nghiệp số” cho thiết bị di động. Các tính năng đều được minh họa bằng biểu tượng, hình ảnh, dễ sử dụng cho người dân; trong đó, phần mềm và ứng dụng đã tích hợp đầy đủ các phân hệ trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông lâm sản.
Cùng đó, ngành nông nghiệp đã lựa chọn 50 cơ sở sản xuất và sản phẩm OCOP để thực hiện chuyển đổi số. Các cơ sở tham gia chuyển đổi số được cấp mã số, được sơ đồ hóa và định vị GPS cơ sở sản xuất; quản lý và cập nhật đầy đủ quy trình sản xuất, vật tư đầu vào, đầu ra, nhật ký điện tử sản xuất theo thời gian; mã hóa và xuất code tem truy xuất nguồn gốc QR…
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, ngành đã quan tâm thực hiện các giải pháp để tận dụng tối đa các cơ hội mang lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã đưa sản phẩm nông nghiệp lên quảng bá, tiêu thụ trên nhiều sàn thương mại điện tử.
Ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, các hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp, lực lượng khuyến nông địa phương và người dân về các kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số.
Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ cũng có các hoạt động hỗ trợ và hướng dẫn nông dân sử dụng các thiết bị công nghệ mới trong nông nghiệp như máy bay không người lái, ứng dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo thông tin và định vị vùng trồng nhằm xây dựng mã số vùng trồng…
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều sản phẩm nông sản của Phú Thọ mới chỉ sản xuất sản phẩm ở dạng thô, chưa qua chế biến sâu, sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chưa có nhãn hiệu sản phẩm và gắn tem truy xuất nguồn gốc. Việc áp dụng chuyển đổi số còn gặp không ít khó khăn do đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn thiếu, quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún…
Ðể phát triển ngành nông nghiệp số, ngành nông nghiệp Phú Thọ sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất để nông dân bắt nhịp với chuyển đổi số như tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản, năng lực thực hành về chuyển đổi số trong sản xuất cho người nông dân; hỗ trợ, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, kết nối với doanh nghiệp có nền tảng chuyển đổi để lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp. Đồng thời, lồng ghép nguồn lực tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, thị trường với mục đích hướng đến 100% sản phẩm OCOP tham gia chuyển đổi số, có giám sát sản xuất, có truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường./.
- Từ khóa:
- Phú Thọ
- chuyển đổi số
- sản xuất nông nghiệp