Thời sự

Kon Tum: Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 3-4%/năm

Kon Tum

Đến nay, Kon Tum có 48 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Sáng 11/10, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2024 đã diễn ra với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Kon Tum đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Dự và chỉ đạo Đại hội có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà cùng 245 đại biểu, đại diện cho 324.160 người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 54% dân số toàn tỉnh.

Quang cảnh Đại hội. 
Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà chúc mừng và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Kon Tum đã đạt được trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III, góp phần tạo nên diện mạo mới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Để đạt được các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2024-2029, bà Nông Thị Hà đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên tỉnh Kon Tum cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết, chính sách dân tộc...

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. 
Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Cùng với đó, Kon Tum cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở các xã biên giới, vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Địa phương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ; phát huy vai trò của người có uy tín, mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Đại hội thông qua Quyết tâm thư với các mục tiêu cho giai đoạn 2024-2029. Cụ thể: Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo 3-4%/năm; có 70-80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; duy trì 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất…

Năm 5 qua, tổng nguồn vốn toàn xã hội để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Kon Tum là 112.579 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách đạt 4.687 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu tại Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III. Đến nay, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 65/498 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 12,45% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số, bình quân giảm từ 3-4%/năm.

Dịp này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 6 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 5 cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 20 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III giai đoạn 2019 - 2024./.

Cao Nguyên

Xem thêm