Thực thi chính sách

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Chính sách mở cửa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ là “đòn bẩy” trong phát triển

Nhiều đại biểu cho rằng, chính sách mở cửa trong tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ là “đòn bẩy” lớn để thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học.

TTXVN - Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quang cảnh phiên họp chiều 2/6. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đáng chú ý, dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi) sẽ nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Dự thảo Luật nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú; nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định… để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Các đại biểu nhất trí với việc nâng thời hạn tạm trú và thị thực điện tử cho người nước ngoài là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên. 

Đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, qua thời gian cấp thị thực điện tử thí điểm từ giai đoạn năm 2017 đến nay, số lượng người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử ngày càng tăng... Tuy nhiên, thời hạn thị thực điện tử ngắn nên chưa thu hút được nhiều người nước ngoài. Do vậy, việc Chính phủ đề nghị nâng thời hạn thị thực, tạm trú nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú dài ngày của khách du lịch quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư,... là rất phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đề nghị mở rộng hơn diện và điều kiện đơn phương miễn thị thực cho công dân các nước, vùng lãnh thổ… Có ý kiến đề nghị nâng thời hạn tạm trú lên để có thể linh hoạt hơn trong việc cấp chứng nhận tạm trú.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và miễn thị thực chưa tăng nhiều thời gian so với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này, cần tăng thời gian về tạm trú, thị thực cho người nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thực tế, các nước như Thái Lan, Singapore... đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú từ 45 ngày đến 90 ngày. Do đó, việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày mới đạt mức trung bình trong khu vực; do đó, cần tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam.

Nhiều đại biểu cho rằng, chính sách mở cửa trong tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ là “đòn bẩy” lớn để thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Đây là những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Các đại biểu đề nghị rà soát các thông tin trên giấy tờ xuất, nhập cảnh để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi thống nhất, kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân,... 

Điểm lại các nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, xung quanh sự cần thiết và cơ sở ban hành luật, đại biểu đề nghị báo cáo cụ thể hơn về tính cấp thiết ban hành luật thông qua tại một kỳ họp, nhất là thực tiễn việc ứng dụng nền tảng số trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh theo thông lệ và xu hướng hội nhập quốc tế.

Tiếp thu, giải trình tại hội trường, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và hoàn thiện dự thảo; báo cáo với Chính phủ, các cơ quan liên quan của Quốc hội theo đúng quy định./.

Xuân Tùng

Xem thêm