Thực thi chính sách

Đại lễ Phật đản -Vesak 2023: Lan tỏa mong muốn hòa hợp, vì một thế giới hòa bình

Lý tưởng được tôn vinh nhân ngày lễ Vesak thiêng liêng có sự cộng hưởng sâu sắc với các mục tiêu của Liên hợp quốc: Sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các dân tộc, mong muốn hòa hợp và thúc đẩy hòa bình thế giới.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại lễ Phật đản 2023 của Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu-TTXVN)

TTXVN - Kỷ niệm Đại lễ Phật đản - Vesak, những người con Phật khắp năm châu lại hân hoan đón mừng sự kiện Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập diệt.

Trong Thông điệp Đại lễ Vesak 2023, gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến hàng triệu Phật tử trên khắp thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh, những lý tưởng được tôn vinh nhân ngày lễ trọng đại và thiêng liêng này có sự cộng hưởng sâu sắc với các mục tiêu của Liên hợp quốc: Sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các dân tộc, mong muốn hòa hợp và thúc đẩy hòa bình thế giới.

Vào thời điểm xung đột này, những lời dạy của Đức Phật về lòng khoan dung, lòng từ bi và phụng sự tha nhân đã trở thành nguồn an ủi và sức mạnh vô cùng to lớn đối với nhân loại.

Cho rằng, muốn xây dựng con đường hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta hãy nắm vững tinh thần của Vesak, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi “hãy cùng nhau dang rộng đôi tay để kết nối với những sự khác biệt, vượt lên mọi sự tư lợi hẹp hòi và đoàn kết lại với nhau vì một thế giới hòa bình hơn cho tất cả mọi người”.

Đại lễ Vesak là cơ hội để mọi người chiêm nghiệm, sống theo lời dạy chân thực, có giá trị vượt thời gian của Đức Phật. Những lời dạy đó gợi ý các giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc thực sự cho con người và sự phát triển bền vững cho xã hội.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhân loại đang sống trong một thế giới có nhiều biến động, thách thức khôn lường không thể dự báo. Hơn lúc nào hết, những lời dạy vô giá về tình thương yêu, sự sẻ chia, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, con đường giải thoát khổ đau cho nhân loại chúng sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực sự là kim chỉ nam đưa đến các giải pháp cho những vấn đề nan giải của con người.

Đức Phật dạy chúng ta về đức hy sinh, cố gắng giúp đỡ người khác, tình nguyện cùng chia sẻ với người khác trong hoàn cảnh khó khăn, biết chấp nhận những thiệt thòi, hy sinh bản thân mà vượt qua lòng tham, sự ích kỷ để trở nên con người cao thượng, đáng quý, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Nói về ý nghĩa Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Đại lễ Phật đản trở về với những người con Phật tiếp tục mở ra cơ hội để chiêm nghiệm sự xuất hiện hy hữu của Đức Thế tôn “đã bật đèn soi chiếu bóng tối vô minh, dựng lại những gì đã đổ vỡ, mang lại cho nhân loại ánh sáng của niềm tin, hy vọng và giải thoát; đồng thời, hướng đến nếp sống hạnh phúc và hòa bình, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa, đạo đức, góp phần xây dựng xã hội bình an, thế giới vĩnh thịnh”.

Sự phát triển mất cân bằng giữa nếp sống tinh thần và vật chất; trí tuệ nhân tạo, trình độ tri thức, khoa học công nghệ, đời sống vật chất phát triển mạnh mẽ thì các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội lại xuống cấp; niềm tin vào cuộc sống và hạnh phúc đích thực của kiếp người đang bị chao nghiêng. Ngay trong thời điểm này, con người đang phải đối mặt với vô vàn bất an, với sự hoành hành của dịch bệnh, thiên tai, xung đột, đói nghèo.

Vì vậy, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, hơn bao giờ hết, giáo pháp Đức Thế Tôn, với phẩm chất “đại hùng”, “đại lực” và “đại từ bi” được vận dụng, chuyển tải vào đời, trong dòng chảy hội nhập quốc tế để gióng lên tiếng chuông thức tỉnh lương tri nhân loại, định hướng phát triển bền vững, thực hiện các Mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, triển khai các nghị quyết vì hòa bình và phát triển của các tổ chức Phật giáo quốc tế, nhằm đưa nhân loại ra khỏi mọi tác động bởi tham lam, sân hận và si mê, để xây dựng nếp sống hòa bình, an lạc.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ tắm Phật. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Mùa Phật đản năm nay, cũng là dịp Phật tử Việt Nam thành kính kỷ niệm 60 năm Ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963 - 2023) trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ánh đuốc vị pháp của Ngài khơi nguồn cho tinh thần hộ trì chính pháp, yêu chuộng công lý, hòa bình và lý tưởng độc lập dân tộc.

Bài học về Bồ - tát Quảng Đức vẫn mãi là nét son trong trang sử sáng ngời của đạo pháp và dân tộc. Tinh thần vì đạo quên mình, yêu chuộng hòa bình, công lý và tự tôn dân tộc của Ngài còn giữ nguyên giá trị để người con Phật Việt Nam tự hào noi theo.

Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh, ngọn lửa từ bi cùng với trái tim bất diệt của Ngài có năng lực soi sáng và thức tỉnh lương tri của con người, hóa giải tất cả hận thù. Ngọn lửa đó đã chỉ cho mỗi người sống là phải biết vượt lên mọi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ hẹp hòi và mọi ý niệm cực đoan. Ngài là biểu tượng sáng ngời của tinh thần bi, trí, dũng của bậc Bồ-tát hiện thế và tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam.

Đức Pháp chủ kêu gọi tăng, ni, Phật tử noi theo hạnh nguyện của Bồ-tát Thích Quảng Đức, cùng nhau dấn thân hơn nữa trên con đường thực hành Bồ-tát hạnh, “ra sức làm các thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình tự thân để kết nên một đài sen cúng dường Đức Thế Tôn trong mùa Phật đản năm nay”./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm