Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Cho ý kiến việc quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch

Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

TTXVN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày 29/5 để thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát trình bày tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng.

Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng. Tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều; trong đó, riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.

Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành. Căn cứ tình hình dịch bệnh, trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của các đơn vị, địa phương, nguồn tài trợ, viện trợ đã được phân bổ kịp thời cho các đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống dịch, các đơn vị tiếp nhận cơ bản đã thực hiện quản lý, sử dụng theo đúng quy định.

Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, kết quả giám sát cho thấy, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. 100% huyện có Trung tâm Y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sỹ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.

Với mục tiêu tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát. Trong đó, cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phải hoàn thành trước 31/12/2023.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu tổng kết và trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới một số luật như: Luật về phòng bệnh; Sửa đổi Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp hoặc ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Bên cạnh đó, xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phân bổ ngân sách, huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ trong tình trạng cấp bách gắn liền với các giải pháp phòng, chống tiêu cực; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 nói riêng và trong quá trình phòng, chống COVID-19 nói chung./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm