Mô hình nuôi ngao giống và nuôi ngao thương phẩm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân cải thiện cuộc sống.
Nhiều năm qua, phong trào Nông dân tham gia phát triển kinh tế vươn lên xóa đói, giảm nghèo đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ đó nhiều nông dân đã đầu tư phát triển cây trồng, con nuôi lợi thế, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại để phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Biên ở thôn Quang Trung, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa là một trong những điển hình như vậy.
Mô hình nuôi ngao giống và nuôi ngao thương phẩm của bà Nguyễn Thị Biên (ở thôn Quang Trung, xã Hoằng Thanh) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với 20 năm trong nghề, bà Biên được người dân trong vùng ví như người nuôi gìn giữ, tái tạo môi trường sống của ngao. Bà cho biết, mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng duyên hải. Cuộc sống gắn liền với biển đã giúp bà thích nghi và nắm được những thay đổi của con nước vùng triều, bãi.
Do nhận thấy vùng biển quê hương mình có nhiều tiềm năng, thế mạnh để nuôi trồng thủy sản, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, bà đã có ý tưởng phát triển kinh tế bằng việc thực hiện mô hình nuôi ngao giống và nuôi ngao thương phẩm. Thời điểm này, tại xã Hoằng Thanh cũng có nhiều hộ khác nuôi ngao dựa vào thiên nhiên.
Nuôi theo hình thức này, năm nào thuận, nhất là mùa ngao nở, con nước đi qua đúng dịp thì người nuôi mới có thu nhập, còn không thì sẽ trắng tay. Đây là kinh nghiệm mà bà Biên đã biết được sau khi theo dõi những năm được mùa và so sánh với những năm mất mùa. Đồng thời, bà cũng chú ý nhiều hơn tới các chu kỳ sinh trưởng của con ngao để rút ra quy luật phát triển.
Năm 2005, được sự giúp đỡ của các cấp hội nông dân, bà Biên đã quyết định đầu tư vào nuôi ngao ngay tại quê nhà. Thời điểm mới vào nghề, bà gặp rất nhiều khó khăn vì phải phụ thuộc vào tự nhiên. Theo bà Biên, gia đình bà đã nhận 3 ha để khoanh nuôi và khai thác và sản xuất ngao giống. Sau nhiều năm, bà đã tìm ra được chu kỳ sinh sản của con ngao và tận dụng những kiến thức tích lũy để tiến hành kích thích sinh sản, thu trứng và sản xuất ngao giống cung cấp ra thị trường.
Năm 2020, gia đình bà đã đầu tư 27 tỷ đồng để mở rộng diện tích nuôi trồng và mua sắm các máy móc khai thác, mỗi năm có thể cung cấp giống nuôi cho trên 1.000 ha và thu mua trên 100 ngàn tấn ngao thương phẩm cho người dân quanh vùng. Hiện, công việc sản xuất, bán giống đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Ngoài ra, bà liên kết thu mua và tiêu thụ lượng lớn ngao cho các địa phương trong, ngoài tỉnh Thanh Hóa.
Tính đến nay, sau nhiều năm phát triển kinh tế từ nuôi ngao, gia đình bà Biên có đã có 50 ha nuôi ngao, trong đó có 45 ha nuôi thương phẩm, 5 ha sản xuất giống. Mỗi năm cơ sở nuôi ngao của bà Biên cung cấp giống cho diện tích trên 1.000 ha của người dân; thu mua 100 ngàn tấn ngao thương phẩm và đã đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa. Cơ sở có doanh thu mỗi năm khoảng 3,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 80 lao động thường xuyên với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng; lúc cao điểm, còn tạo việc làm cho 150 lao động thời vụ.
Ngoài làm kinh tế giỏi, bà Biên còn hỗ trợ làm nhà cho hộ gia đình khó khăn trong xã, hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo trong xã mỗi khi Tết đến; ủng hộ xây dựng nông thôn mới và hiến đất với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình bà Biên còn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh giúp đỡ gần 90 hộ vươn lên thoát nghèo…
Nhờ những nỗ lực vượt khó và đạt nhiều thành tích trong sản xuất, bà Nguyễn Thị Biên đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen; được nhận danh hiệu Hộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2024, bà Nguyễn Thị Biên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Theo bà Lương Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, mô hình nuôi ngao giống và ngao thương phẩm của bà Nguyễn Thị Biên đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và bà cũng là gương nông dân điển hình tại địa phương trong phòng trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Ngoài làm kinh tế giỏi, bà Biên còn hay giúp đỡ người nghèo, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên nông dân khác trong xã để cùng phát triển kinh tế. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra toàn địa bàn, qua đó giúp nhiều người dân có thêm sinh kế mới để phát triển sản xuất, tiến tới thoát nghèo./.