Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội và kết nối trực tuyến tới Huế, Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 29/11/2022.
(TTXVN) Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội và kết nối trực tuyến tới Huế, Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 29/11/2022.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức.
Cùng với Hội thảo Hội thảo Văn hóa 2022 (diễn ra đầu tháng 12 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức), Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" là sự kiện quan trọng nhằm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
*Sẵn sàng cho Hội thảo
Là đơn vị thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức Hội thảo, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Văn hóa -Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định, đến nay mọi khâu chuẩn bị đã đi đến khâu cuối cùng và cơ bản tất cả đã sẵn sàng cho ngày khai mạc.
“Thực hiện Kế hoạch tổ chức Hội thảo và ý kiến Kết luận của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp ngày 25/10/2022, trong một tháng qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo cùng các vụ, đơn vị trong Ban và các cơ quan liên quan đã khẩn trương vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai nhiệm vụ được giao, cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
Đến nay, công tác chuẩn bị về nội dung, hậu cần và công tác tuyên truyền đã cơ bản hoàn tất, đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban và Ban Chỉ đạo”, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Nhựt, tính đến ngày 23/11/2022, Ban Tổ chức đã nhận được 87 bài tham luận. Số lượng tham luận theo các chủ đề: Những vấn đề chung (14 bài); hệ giá trị quốc gia (11 bài); hệ giá trị văn hóa (21 bài); hệ giá trị gia đình (22 bài); chuẩn mực con người Việt Nam (19 bài).
Sau khi tiếp nhận tham luận, Vụ đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hoàn thành việc thẩm định tham luận. Theo kết quả thẩm định, các tham luận về cơ bản bám sát chủ đề Hội thảo, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, trong đó có một số bài có chất lượng cao.Về chương trình Hội thảo, Ban Tổ chức đã hoàn thiện dự thảo Chương trình, kịch bản chi tiết Hội thảo.
Theo đó, sau nội dung khai mạc, định hướng, Hội thảo dự kiến sẽ được chia thành 2 phiên thảo luận: Phiên thảo luận thứ nhất (buổi sáng) với chủ đề: Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Phiên thảo luận thứ hai (buổi chiều) với chủ đề: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ chủ trì, điều hành Phiên thảo luận thứ nhất (buổi sáng) và Giáo sư -Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, điều hành Phiên thảo luận thứ hai (buổi chiều).
Trước mỗi phiên thảo luận, dự kiến sẽ phát 1 clip khoảng 3 phút mang tính đề dẫn. Sau khi kết thúc 2 phiên thảo luận, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ kết luận Hội thảo.
Trong khuôn khổ Hội thảo, sẽ tổ chức trưng bày Triển lãm sách và tài liệu với chủ đề: “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”, ngày 29/11/2022, tại địa điểm chính, Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Ban Tổ chức đã phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam hoàn thành khảo sát, xây dựng đề cương, phương án trưng bày và sẽ tiến hành thi công đúng tiến độ phục vụ Hội thảo.
*Dịp “hiếm có” để tiếp thu các luận cứ khoa học lĩnh vực văn hóa
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới là dịp hiếm có để ngành Văn hóa được tiếp thu, lắng nghe các luận cứ khoa học để làm sâu sắc hơn về quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lĩnh vực văn hóa, trong đó có mong muốn làm rõ các nội hàm về hệ giá trị của quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người trong giai đoạn mới.
Từ đó, ngành có cơ sở tổ chức thực hiện và triển khai một cách đầy đủ, đúng như tinh thần chỉ đạo của Đảng.Bộ trưởng nhấn mạnh, "với trách nhiệm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không chỉ thực hiện các nhiệm vụ mà Ban Tuyên giáo Trung ương phân công mà phải làm tốt nhất để góp phần cùng với ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thành tốt nhất Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn mới".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ nhận thức về trách nhiệm của ngành, Bộ đã chuẩn bị các bài tham luận đóng góp cho Hội thảo, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tập trung chuẩn bị cho Triển lãm, giới thiệu sách "Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam".
Triển lãm không chỉ là giới thiệu sách mà còn là tinh túy của các công trình nghiên cứu để có thể quảng bá giới thiệu, xa hơn nữa là lan tỏa văn hóa, giá trị tri thức và qua đó góp phần bồi đắp, xây dựng con người. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền cho Hội thảo.
Về tuyên truyền trực quan, Bộ đã gửi văn bản đến các tỉnh, thành phố, các Sở Văn hóa -Thể thao; Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các địa phương nhằm trưng bày các pano áp phích quảng bá cho Hội thảo ở những vị trí thích hợp, tốt nhất để cổ động cổ vũ, cũng như một lời nhắc nhở để có thể tác động đến nhân dân về Hội thảo này.
Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí của Bộ đẩy mạnh tuyên truyền trước, trong và sau Hội thảo.
* Đồng bộ triển khai các hệ giá trị trong đời sống
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Hội thảo đề ra là làm sao đưa những hệ giá trị triển khai một cách hiệu quả trong cuộc sống.
Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, sau khi nêu được nội hàm của các hệ giá trị, cần phải có ý kiến chỉ đạo và tạo sự đồng thuận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước như kinh nghiệm của các nước ở châu Âu và châu Á và từ sự thống nhất đó thì có một cơ quan chỉ đạo, điều hành để chuyển các hệ giá trị đó vào trong đời sống.
Cũng theo Giáo sư, bên cạnh những chuẩn mực chung của con người Việt Nam, cần có những chuẩn mực cụ thể cho từng đối tượng, cho từng giới, cho các tầng lớp, nghề nghiệp, lứa tuổi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những chuẩn mực cho Công an, Quân đội, phụ nữ, thiếu nhi, thanh niên…
“Việc chuyển các hệ giá trị trở thành những chuẩn mực cụ thể cho các đối tượng làm công việc mang tính chất xã hội hóa và cần phải triển khai một cách sâu sắc, một cách kiên trì. Văn hóa không thể làm theo kiểu phong trào, không làm kiểu thời vụ, mà phải làm một cách kiên trì có kế hoạch, một cách bài bản, sáng tạo”, Giáo sư Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh.
Với ý nghĩa đó, Giáo sư đề nghị là sau hội thảo, cần có một cơ quan chỉ đạo và cơ quan nghiên cứu để xác định nội hàm của từng hệ giá trị và đồng thời có các cơ quan đồng bộ triển khai các hệ giá trị đó trong đời sống. Cùng với đó là sử dụng công tác tuyên truyền như sức mạnh để cho người dân thẩm thấu được những hệ giá trị mà mình cần vươn tới, cần phải nuôi dưỡng và đồng thời gạt bỏ đi những sự vật, hiện tượng "phản văn hóa" đang diễn ra trong đời sống và đang có khuynh hướng lan tràn vào một bộ phận quần chúng trong xã hội./.
- Từ khóa:
- Hệ giá trị quốc gia
- hệ giá trị văn hóa