Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là điều cần thiết nhằm góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền và nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.
(TTXVN) Bạc Liêu được xem cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu – tác giả của bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng. Do đó, hiện nay, việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh là điều cần thiết nhằm góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Những con người tài danh
Theo nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, “người ta gọi Bạc Liêu là quê hương của Đờn ca tài tử vì nơi đây đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối; từng cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ cho Đờn ca tài tử; từng gây dựng thành phong trào sáng tác thật hùng mạnh từ những thập niên đầu thế kỷ XX”.
Thật vậy, mặc dù được hình thành và phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam nhưng Bạc Liêu vẫn được coi là cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Từ đầu thế kỷ XX, Đờn ca tài tử đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng ở Bạc Liêu với nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có nhạc sư Lê Tài Khí (1870 – 1948, thường được gọi là Nhạc Khị, con ông Lê Văn An – một bầu gánh hát bội nổi tiếng lúc bấy giờ) – người được tôn là hậu Tổ khi có công canh tân, hiệu đính 20 bản tổ. Ông đã đứng ra thành lập ban nhạc lễ chuyên phục vụ đám cúng của đình làng hoặc ở gia thất – đây cũng là ban nhạc lễ đầu tiên ở Bạc Liêu.
Nhạc Khị còn là tác giả của 4 bản nhạc mà giới cổ nhạc Nam Bộ thời ấy gọi là “Tứ bửu” gồm các bản: “Ngự giá đăng lâu”, “Minh Hoàng thưởng nguyệt”, “Ái tử kê”, và “Phò mã giao duyên”. Những bản nhạc ấy được xem là “bửu bối” của Đờn ca tài tử một thời. “Dạ cổ hoài lang” nhịp 2 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, rồi bản vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 lần lượt ra đời, phát triển gắn với nhiều tên tuổi vang bóng như nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, soạn giả Mộng Vân, nghệ sĩ Trần Tấn Hưng…
Những thập niên 30 của thế kỷ XX, hoạt động Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, có tiếng vang khắp Nam kỳ. Các nghệ nhân đa số đều do Nhạc Khị đào tạo, điển hình như: Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lý Khi…; hoặc do Sư Nguyệt Chiếu (một nhạc sĩ tiền bối khác ở Bạc Liêu có công trong việc truyền bá nhạc lễ và nhạc tài tử) rèn luyện như nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, Sanh Xía, Chín Quy, Thiện Ngộ…
Một trong những học trò giỏi của Nhạc Khị là Cao Văn Lầu (1890 – 1976) – người được biết đến với bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ. Tiếp nối sự nghiệp của thầy, nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng với các bạn đồng môn đứng ra thành lập ban Đờn ca tài tử Bạc Liêu, gồm Sáu Lầu đờn tranh, Mười Khói đờn kìm, Bảy Cuội đờn cò, Hai Tài đờn đoản, Ba Chột đờn sến… Ban Đờn ca tài tử này một thời khuấy động phong trào Đờn ca tài tử không chỉ nội tỉnh Bạc Liêu mà vang tiếng khắp Nam kỳ.
Bên cạnh đó, người mộ điệu cũng không thể nào quên các danh cầm Bạc Liêu một thời lừng lẫy như: Đệ nhất vĩ cầm Hai Thơm (báo chí một thời khen tặng là vua vĩ cầm Việt Nam), Năm Nhỏ (sở trường lục huyền cầm được khắp nơi biết tiếng); lối ca phá đờn, lướt nhịp của nghệ sĩ Bảy Cao…
Cho đến nay, Đờn ca tài tử vẫn là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian thu hút đông đảo người dân Bạc Liêu tham gia. Hiện một số nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng tiếp bước thế hệ đi trước được biết đến nhiều như: Ngọc Đợi, Mỹ Hạnh, Giang Tuấn, Thạch Moly, Minh Chiến…
Tất cả những người này đều sinh ra hoặc lớn lên ở Bạc Liêu. Với những đóng góp của mình, trong quá trình hình thành và phát triển Đờn ca tài tử, Bạc Liêu xứng đáng được xem là một trong những cái nôi quan trọng của Đờn ca tài tử.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có 150 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử với hơn 2.000 thành viên, nghệ nhân, tài tử thường xuyên sinh hoạt. Điều này đã cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản này trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bạc Liêu hiện nay.
Chung tay góp sức từ cộng đồng
Có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, việc bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được Bạc Liêu chú tâm ngay từ trước khi Đờn ca tài tử được quốc tế vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự quan tâm tâm này xuất phát từ niềm đam mê, từ trong tiềm thức của mỗi nghệ nhân, những người biết và yêu thích Đờn ca tài tử.
Tại Bạc Liêu, việc bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ còn gặp nhiều khóa khăn. Hầu hết các phong trào Đờn ca tài tử của địa phương đều phát triển tự phát, phần lớn các nghệ nhân đã lớn tuổi mà lớp kế thừa thì chưa nhiều. Giới trẻ ngày nay ít quan tâm và tiếp cận đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, do đó các địa phương gặp khó trong đào tạo đội ngũ kế thừa. Điều kiện về thiết bị để hỗ trợ cho các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử còn rất hạn chế, chưa đáp ứng với tiềm năng phát triển của phong trào…
Chính vì vậy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Trần Thị Lan Phương cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bạc Liêu cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân về giá trị, sự đóng góp của nghệ thuật Đờn ca tài tử vào kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, mỗi cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo của Nam Bộ.
Bạc Liêu củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử; đưa hoạt động Đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khóm. Đồng thời, tỉnh thực hiện xã hội hóa trong việc vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nghệ thuật Đờn ca tài tử (Quỹ Lê Tài Khí) tạo điều kiện cho công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Các đơn vị chuyên môn tổ chức cho giới trẻ (từ cấp tiểu học) tiếp cận với Đờn ca tài tử thông qua các bài ngắn, nhẹ nhàng, làn điệu vui tươi… để giúp các em làm quen với làn điệu cổ truyền rồi dần đi đến yêu thích Đờn ca tài tử.
Tỉnh thành lập, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng và Truyền nghề sân khấu cải lương thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu; xây dựng chương trình truyền dạy nghệ thuật cải lương cụ thể, phù hợp với từng đối tượng tham gia, đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu sân khấu cải lương, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, diễn viên, học viên học hỏi, nâng cao kỹ năng biểu diễn, thực hành nghệ thuật, đáp ứng tốt về nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển sân khấu cải lương tỉnh trong thời gian tới.
Cùng đó, tỉnh phát huy vai trò của các nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân tham gia truyền dạy nghệ thuật cải lương tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tạo điều kiện cho nghệ sĩ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tiếp tục lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau. Từ đó, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, diễn viên nâng cao đời sống vật chất, an tâm cống hiến, không ngừng sáng tạo, nâng cao hiệu quả thực hành và truyền dạy nghệ thuật cải lương cho các thế hệ trong, ngoài tỉnh, góp phần phát triển sân khấu cải lương của tỉnh cũng như tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà hát Cao Văn Lầu.
Bà Trần Thị Lan Phương cho biết, Bạc Liêu còn duy trì và nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ nhân dân, biểu diễn thực cảnh tại Nhà hát Cao Văn Lầu, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Ngoài tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp cấp khu vực, toàn quốc, Nhà hát Cao Văn Lầu xây dựng kế hoạch biểu diễn định kỳ hừng quý có một vở cải lương để truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Ngoài ra, tỉnh đầu tư, lựa chọn những kịch bản, vở diễn đặc sắc, chất lượng để biểu diễn phục vụ khách du lịch, xây dựng sân khấu cải lương trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước, để Bạc Liêu trở thành trung tâm sân khấu cải lương của khu vực, là một trong những điểm đến thưởng thức và trải nghiệm nghệ thuật cải lương tiêu biểu, đặc sắc của cả nước…/.