Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, một số câu lạc bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh đang phục hồi và duy trì sinh hoạt.
TTXVN - COVID-19 diễn biến kéo dài khiến hoạt động sinh hoạt Đờn ca tài tử tại các câu lạc bộ của Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng, thậm chí nhiều nơi bỏ ngỏ. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn, một số câu lạc bộ đã và đang trong quá trình phục hồi và duy trì sinh hoạt một cách đều đặn, định kỳ hơn.
* Tìm kiếm những nhân tố trẻ
Nhà Văn hóa phường Hiệp Bình Phước (thành phố Thủ Đức) là nơi Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Phụng Hoàng chọn làm điểm sinh hoạt định kỳ vào mỗi tối Chủ nhật hàng tuần. Không khí giao lưu ở đây luôn sôi nổi với các tiết mục đặc sắc cùng sự tham gia của nhiều tài tử đến từ Quận 12, quận Bình Thạnh và thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương).
Tương tự, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Hóc Môn đang từng bước khởi động lại công tác tổ chức sinh hoạt định kỳ vào sáng thứ Sáu hàng tuần. Câu lạc bộ quận Phú Nhuận sinh hoạt trở lại vào ngày 15 và 30 mỗi tháng…
Vào mỗi tối thứ Năm, Nhà truyền thống quận Bình Thạnh luôn đông vui, nhộn nhịp bởi sự góp mặt của các hội viên đến từ Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Gia Định, Câu lạc bộ đờn ca tài tử Quận 12, quận Phú Nhuận, Gò Vấp và thành phố Thủ Đức.
Hoạt động hơn 20 năm, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Gia Định được Trung tâm Văn hóa quận hỗ trợ địa điểm, âm thanh, ánh sáng để tổ chức các buổi sinh hoạt. Chi phí hoạt động do hội viên tự nguyện đóng góp, chủ yếu để trả thù lao cho nhạc công. Nội dung ca diễn xoay quanh 20 bài bản tổ, các bài vọng cổ, tân cổ giao duyên, trích đoạn cải lương. Nghệ nhân Ưu tú Phương Hậu, thành viên thuộc Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Gia Định cho biết, tuy còn nhiều khó khăn, đơn vị luôn cố gắng giữ nếp sinh hoạt để có nơi tập luyện, giao lưu; đồng thời để khán giả yêu thích môn nghệ thuật này nắm được lịch đến tham gia, giúp các buổi sinh hoạt thêm phong phú. Trong mỗi buổi biểu diễn, Câu lạc bộ sẽ nhờ từ 2 - 3 tay đờn hỗ trợ phần nhạc.
Nghệ nhân Ưu tú Phương Hậu chia sẻ: “Tôi luôn tổ chức các lớp đào tạo ca cổ tại nhà để tìm kiếm người mới, trẻ, tiềm năng bổ sung cho câu lạc bộ. Bên cạnh đó, tôi đề nghị hội viên học và rèn luyện thêm những bài ca cổ nhiều chủ đề để có thể đáp ứng hoạt động biểu diễn tuyên truyền, chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, tham gia các hội thi, liên hoan”. Nghệ nhân Ưu tú Phương Hậu mong muốn nhận được sự giúp sức để có thể tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ nhân dân định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý tại công viên hay khu dân cư, giúp công chúng, nhất là giới trẻ tiếp cận, nghe, hiểu. Từ đó, việc tìm kiếm các nhân tố mới được thúc đẩy.
Tương tự, nghệ nhân Phương Tùng, phụ trách Câu lạc bộ Đờn ca tài tử quận Phú Nhuận cho rằng, mặt bằng biểu diễn, lực lượng nòng cốt tham gia câu lạc bộ và các hạt nhân tiềm năng trong xã hội là ba yếu tố quyết định hoạt động và sự phát triển của các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Đồng thời, nghệ nhân Phương Tùng đề nghị, từ tình hình chung hiện nay cần cấp thiết đào tạo thêm nghệ nhân đờn, tìm kiếm và đào tạo các tài tử ca thiếu nhi, tạo sân chơi cho các câu lạc bộ, đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử vào trường học...
* Thay đổi để thích ứng cùng thời đại
Trong sinh hoạt biểu diễn, loại hình Đờn ca tài tử không đòi hỏi cao về chi phí đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, hoạt động tự thu tự chi đối với các câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn.
Là người đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu và lý luận, phê bình lĩnh vực đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, Tiến sỹ Lê Hồng Phước, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với hệ thống gần 300 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử, thành phố cần tạo điều kiện để các câu lạc bộ hoạt động sôi nổi hơn. Cụ thể, trong quản lý nhà nước, địa phương phải có sự hỗ trợ tài chính một cách thích hợp, chú trọng đào tạo thế hệ kế thừa, tổ chức những buổi tập huấn cho hội viên các câu lạc bộ, nhằm giúp họ hiểu sâu, rõ hơn về các loại hình nghệ thuật, góp phần gìn giữ vốn quý trong di sản văn hóa của cha ông để lại...; đẩy mạnh sự chung sức duy trì, bảo tồn, quảng bá và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử trong cuộc sống hiện đại.
Theo Tiến sỹ Lê Hồng Phước, thông thường, các câu lạc bộ tại các tỉnh Nam Bộ nói chung sẽ chọn bối cảnh sân vườn, dưới trăng trong, cảnh đẹp thi vị làm không gian thực hiện một buổi sinh hoạt. Tuy nhiên, ở thành phố, hoạt động này cần phải thay đổi để thích ứng cùng thời đại. Đơn cử như: một số câu lạc bộ đã chọn tổ chức sinh hoạt tại quán cà phê, các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà riêng... Một trong những điểm sáng chính là các nghệ nhân ca vẫn giữ được nét chân phương và chất ngẫu hứng cần có của loại hình này.
Nghệ nhân dân gian Phạm Thái Bình, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương đi đầu trong việc giữ gìn và phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; đặc biệt, trong các lễ hội mang tính cộng đồng hay quảng bá, xúc tiến kinh tế, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh không thể thiếu hoạt động trình diễn của loại hình này. Các chương trình được đầu tư dàn dựng quy mô, giàu bản sắc, quy tụ đội ngũ đông đảo và chất lượng những tài tử đờn, tài tử ca của Thành phố, khu vực Nam Bộ; góp phần đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ngày càng lan tỏa, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người dân đô thị.
Mới đây, tại Công viên 23/9 (Quận 1), Chương trình biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong khuôn khổ Lễ hội chào mừng 325 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và 47 năm Thành phố Hồ Chí Minh chính thức mang tên Bác đã tạo được điểm nhấn đặc sắc. Các chương trình biểu diễn như: “Ngày hội quê hương”, “Hát về Thành phố Bác”, “Ơn Bác”, “Hương sắc phương Nam”, “Khúc hát quê hương”… không chỉ mang đến những giai điệu da diết, thiết tha của nghệ thuật này mà còn giới thiệu nhiều sáng tác mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng, những thành tựu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của Thành phố...
Sự kiện quy tụ lực lượng nghệ nhân đàn ca tài tử nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh như: Nghệ sỹ Ưu tú Huỳnh Khải, Thạc sỹ Phan Nhứt Dũng, Nghệ nhân Nhân dân Thanh Tuyết; các Nghệ nhân Ưu tú: Minh Đức, Ngọc Đặng, Thanh Mai, Cẩm Thủy, Văn Sơn, Phương Hậu, Hà Thu… cùng các thành viên Ban Đờn ca tài tử Cội Xưa.
Nhiều du khách tham gia hoạt động này bày tỏ sự thích thú khi được nghe làn điệu tài tử - cải lương vang lên giữa lòng một đô thị hiện đại bậc nhất cả nước. Bên cạnh đó, việc tái hiện không gian Đờn ca tài tử xưa trên sông nước mang đến cảm giác hoài cổ cũng như giúp cho người dân được hòa mình cùng nền văn hóa sông nước Nam Bộ - phần cội nguồn làm nên văn hóa hào sảng và sáng tạo của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh./.