Việc làm của các Gương sáng pháp là những hành động cao đẹp, có giá trị lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng.
TTXVN - Thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), tối 1/11, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức Lễ tôn vinh Gương sáng pháp luật năm 2023.
Dự Lễ có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật; các Ủy viên Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương và đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tiêu chí đề cử Gương sáng pháp luật phải là những người đạt được nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu; đã được ghi nhận và trao tặng các danh hiệu cao quý của các cơ quan có thẩm quyền về những thành tích trong xây dựng, tổ chức, thi hành pháp luật; truyền cảm hứng lan tỏa trong xã hội về tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam. Kết thúc chương trình, đã có gần 200 bài viết về các nhân vật với đa dạng về thành phần, phong phú về nghề nghiệp, sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc.
Với tinh thần khách quan, công tâm, trách nhiệm, Hội đồng bình chọn đã thảo luận, trao đổi và lựa chọn ra 50 gương sáng pháp luật từ gần 160 đề cử để vinh danh dịp này. Đây là các cá nhân đến từ mọi miền cả nước, những tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Họ đại diện cho các ngành, lĩnh vực và địa phương, đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; là những tấm gương điển hình cho sự dũng cảm, đức hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, thực thi pháp luật, góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thay mặt Ban Tổ chức, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam biểu dương 50 cá nhân được vinh danh là Gương sáng pháp luật năm 2023. Ông Vũ Hoài Nam bày tỏ tin tưởng, những cá nhân được đề cử và vinh danh dịp này sẽ luôn là những tấm gương sáng trong đời sống xã hội nói chung, trong tổ chức và thi hành pháp luật nói riêng, để mọi người tiếp tục học tập, noi theo, chung sức, đồng lòng xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.
Trong các Gương sáng pháp luật được tôn vinh dịp này, tiêu biểu có thể kể đến các cá nhân như: Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng; nguyên Tư lệnh Quân khu 4 - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh; những tấm gương bình dị như anh Phan Tất Thọ, Đội trưởng Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ); ông Đinh Minh Nhật, người sáng lập Mái ấm Giuse (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai); nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân - Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga...
Tiến sĩ Đinh Trung Tụng sinh năm 1956, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Suốt gần 40 năm công tác tại Bộ Tư pháp, ông Đinh Trung Tụng đã tham mưu cho Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng và trình Quốc hội nhiều đạo luật. Trong đó, đạo luật mà ông đam mê và gắn bó nhất là Bộ luật Dân sự khi ông tham gia soạn thảo “3 đời” Bộ luật này vào các năm 1995, 2005 và 2015 ở cương vị Tổ trưởng Tổ Biên tập. Ông đã vinh dự tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành khác; Huân chương của Lào.
Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga (sinh năm 1981) hiện là Phó Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng. Năm 2017, khi còn mang quân hàm Thiếu tá, chị Đỗ Thị Hằng Nga là sĩ quan thứ 20 của Việt Nam và cũng là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên được triển khai nhận nhiệm vụ 12 tháng ở phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) với vai trò sĩ quan Tham mưu giám sát các hoạt động quân sự. Tháng 5/2022, chị lại lên đường nhận nhiệm vụ mới tại Nam Sudan trong cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số cấp 2 số 4. Chị được tặng Bằng khen Bộ Quốc phòng năm 2019; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015-2020; Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2022; nhiều lần được Liên hợp quốc tặng thưởng huy chương.
Sinh năm 1962, ông Đinh Minh Nhật được nhiều người biết đến với vai trò là người sáng lập mái ấm Giuse, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Xuất phát từ những lần bắt gặp những em bé bị bỏ rơi do hủ tục lạc hậu, ông Nhật đã thành lập Mái ấm Giuse và nhận nuôi 131 trẻ mồ côi suốt 18 năm qua. Cách đây hơn 3 năm, phát hiện mình mắc bệnh u não, ông quyết định không đi mổ não mà để dành tiền lo cho các con. Những đóng góp của ông đã được ghi nhận và vinh danh bằng giải thưởng “Tình nguyện Quốc gia” 2022 do Trung ương Đoàn tổ chức...
Theo đánh giá của Ban tổ chức, những việc làm của các tấm gương sáng về pháp luật không chỉ dừng lại ở những tấm bằng khen, huân, huy chương hay giải thưởng. Việc làm của họ là những hành động cao đẹp, có giá trị lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, đời sống, xã hội trong việc xây dựng, thực thi và chấp hành pháp luật; chuyển tải hình ảnh đẹp về trách nhiệm của công dân đối với xã hội, đất nước.
Tiếp nối thành công và ý nghĩa của chương trình lần thứ nhất tổ chức vào năm 2021, Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật” lần thứ hai năm 2023 được khởi động đầu tháng 3/2022. Thông tin về chương trình đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong cả nước.
Ban Chỉ đạo Chương trình do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng ban; thành viên là thủ trưởng các đơn vị liên quan của Bộ Tư pháp. Ban Tổ chức do Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam làm Trưởng ban, thành viên là đại diện các đơn vị của Bộ Tư pháp. Hội đồng bình chọn gồm đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam./.