Hội nhập

Góp phần tăng khả năng tiếp cận của lực lượng gìn giữ hòa bình với cộng đồng bản địa

Số lượng các nữ nhân viên gìn giữ hòa bình thấp hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp nam. Ở nhiều quốc gia, việc tuyển dụng nữ giới vào lực lượng quân sự chưa được khuyến khích.

Nữ quân nhân gìn giữ hòa bình của Việt Nam trong một hoạt động quân-dân kết hợp tại địa bàn phái bộ. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cung cấp)

Cách đây 23 năm, vào tháng 10/2000, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) để ghi nhận tác động nghiêm trọng, cụ thể mà xung đột vũ trang gây ra đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng như tiềm năng của họ trong việc đóng góp cho mọi tiến trình nhằm thiết lập và duy trì hòa bình.

Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an đã định hướng các chính sách, chương trình của Liên hợp quốc về việc hỗ trợ phụ nữ trong các xã hội xung đột và hậu xung đột; thể hiện sự ghi nhận của Liên hợp quốc đối với vai trò của phụ nữ trong các hoạt động vì hòa bình và an ninh, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Thực tế đã cho thấy, sự tham gia của phụ nữ đóng góp tích cực vào hiệu quả triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các phái bộ thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận của lực lượng gìn giữ hòa bình tới các cộng đồng bản địa.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) là sĩ quan đã có hai nhiệm kỳ công tác tại hai phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khác nhau; có cơ hội được làm việc với nhiều nữ nhân viên gìn giữ hòa bình, đặc biệt là các nữ sĩ quan Tham mưu, Quan sát viên quân sự. Anh chia sẻ, ở các nữ quân nhân luôn tỏa ra năng lượng tích cực từ sự nhiệt tình, năng nổ, khả năng giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả, chính xác, đặc biệt hiệu quả công việc không hề thua kém các đồng nghiệp nam, thậm chí có những mặt nổi trội.

Tuy nhiên, số lượng các nữ nhân viên gìn giữ hòa bình lại thấp hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp nam. Qua thực tế trao đổi với nhiều đồng nghiệp, Trung tá Nguyễn Đức Thắng được biết thêm, ở nhiều quốc gia việc tuyển dụng nữ giới vào lực lượng quân sự chưa được khuyến khích. Để phát triển được trong môi trường quân sự, nữ quân nhân phải nỗ lực rất nhiều.

Chia sẻ quan điểm về vai trò của nam giới trong quá trình thúc đẩy tiến trình về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, cụ thể hơn là thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của các nữ quân nhân vào hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên hợp quốc, Trung tá Nguyễn Đức Thắng cho rằng, trước hết cần tăng cường sự ủng hộ của nam giới đối với nữ giới ở cấp ra quyết định. Đối với cấp lãnh đạo, cần có sự quan tâm, ủng hộ, thúc đẩy sự phát triển của nữ quân nhân, mạnh dạn sắp xếp, bổ nhiệm những nữ quân nhân có năng lực vào các vị trí lãnh đạo, đảm bảo sự cân bằng về giới trong hệ thống lãnh đạo. Đồng thời, tạo cơ hội để phụ nữ có tiếng nói trong các quyết sách của tổ chức, đơn vị; tiếp thu các ý kiến có chiều sâu, những quan điểm mới, có lợi cho hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường giáo dục cho nam quân nhân về vai trò, khả năng của nữ quân nhân khi hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng nặng nề của xung đột; hiểu rõ vai trò của phụ nữ trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái phải chịu ảnh hưởng của xung đột tại khu vực đóng quân; nâng cao nhận thức của nam giới về những khó khăn mà nữ quân nhân phải đối mặt khi hoạt động trong môi trường xung đột/hậu xung đột.

Đặc biệt, mỗi quân nhân nam cần nghiêm túc chấp hành các quy định của tổ chức và đơn vị; có nhận thức đúng đắn về kỷ luật nơi công sở; tôn trọng và có thái độ đúng đắn đối với các quân nhân nữ tại nơi làm việc cũng như trong sinh hoạt.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, mỗi đơn vị cần quán triệt cụ thể tới từng quân nhân nam về những chủ trương, chính sách về bảo vệ phụ nữ và nữ quyền; lắng nghe ý kiến, tâm tư tình cảm của đồng nghiệp nữ và thẳng thắn trao đổi mọi vấn đề trong quá trình công tác, hoạt động tại địa bàn phái bộ. Các nữ quân nhân cần tích cực tham gia các chương trình giao lưu với người dân và chính quyền địa phương, tạo cơ hội để người dân địa phương thấy được những thành công mà các nữ quân nhân gìn giữ hòa bình có được khi tham gia hoạt động tại địa bàn.

Thông qua các hoạt động huấn luyện cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cần phổ biến chi tiết tới các quân nhân về những chính sách không nhân nhượng của Liên hợp quốc đối với các hành vi lạm dụng và bóc lột tình dục, các hành vi bạo lực tình dục trong xung đột. Nam quân nhân phải có động cơ đúng đắn trong quan hệ với các đồng nghiệp nữ, cũng như với cộng đồng địa phương.

Việc tuyên truyền, phổ biến về các quy định, chính sách là cơ hội để các nữ quân nhân nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của mình trong xử lý các vấn đề nhạy cảm có liên quan đến phụ nữ, trẻ em tại địa bàn đóng quân. Đồng thời, các đồng nghiệp nam giới nhận thấy được những chế tài đối với các hành động vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền phụ nữ; có phương án bảo vệ và thúc đẩy nữ quyền./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm