Ê kíp mong muốn tạo nên một bức tranh tổng thể, đa dạng của âm nhạc Hát Xoan.
TTXVN - Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long và các cộng sự đang thực hiện dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc Hát Xoan” bằng 100% kinh phí xã hội hóa, với sự hỗ trợ một phần của Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup. Đây được coi là hoạt động thiết thực hướng tới Ngày Giỗ Tổ Vua Hùng năm nay.
Ngày 22/3, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long thông tin, dự án gồm 1 clip trò chuyện “Về đất Tổ nghe Xoan” và 16 bài xoan. Ê kíp đã lựa chọn 13 bài chặng quả cách (chặng hát trung tâm) và 3 bài chặng hát thờ để thực hiện dự với mong muốn tạo nên một bức tranh tổng thể, đa dạng của âm nhạc Hát Xoan.
Nghệ sỹ, nghệ nhân thể hiện dự án này khác biệt so với nhiều dự án tương tự đã làm trước đó. Các dự án trước thường có sự tham gia của cả 4 phường Xoan cổ là Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái. Tuy nhiên, dự án này, ê kíp chỉ chọn duy nhất phường Xoan Thét để giới thiệu. Điều này góp phần tạo nên một quỹ bài đầy đủ ở chặng hát quan trọng nhất của Hát Xoan ở một phường. Việc có thêm một clip ghi lại cuộc trò chuyện gần gũi và dân dã góp phần hé mở cách cửa cho những người yêu thích có thể tiếp cận dễ dàng, hiểu thêm hơn về Hát Xoan.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho biết: Do đặc thù của âm nhạc dân gian, dù 13 quả cách giống nhau nhưng mỗi phường có cách thể hiện khác nhau, chứa đựng những nét riêng ở phần âm nhạc và lời ca. Tham gia dự án có các nghệ nhân xuất sắc của nghệ thuật Hát Xoan hiện nay như các Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (trùm phường), Nguyễn Thị Ngà, Lê Thị Nhàn và nghệ nhân Nguyễn Văn Thuyết. Ngoài ra còn có kép xoan trẻ Nguyễn Minh Trí (sinh năm 2005). Các nghệ nhân đều sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nhiều đời gắn với Hát Xoan và có tính kế thừa, tiếp nối hiện hữu tại Phường Xoan Thét.
Toàn bộ phần thu âm do Phan Thanh Cường Studio (Hà Nội) thực hiện. Ê kíp ghi hình đơn giản tại 4 di tích lịch sử có liên quan trực tiếp tới Hát Xoan. Đó là: Miếu Lãi Lèn (Phường Xoan Phù Đức), đình Thét (Phường Xoan Thét), đình Kim Đới (Phường Xoan Kim Đới) và đình An Thái (Phường Xoan An Thái), đều nằm ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Phần hình ảnh sẽ được dùng làm nền minh họa, giới thiệu các di tích lịch sử liên quan trực tiếp đến Hát Xoan. Bên cạnh đó, còn có sự đồng hành cố vấn của nhạc sỹ Tùng Lâm (Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tại Phú Thọ)...
Sản phẩm của dự án được giới thiệu chính trên kênh YouTube “Dân ca & Nhạc cổ truyền” do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long xây dựng và vận hành, giới thiệu các sản phẩm âm nhạc dân gian độc đáo, rõ ràng về bản quyền. Ê kíp thực hiện mong muốn các bài trong dự án sẽ là những bài xoan có giá trị về mặt thưởng thức cũng như tham khảo, tìm hiểu về nghệ thuật âm nhạc độc đáo của dân tộc.
Hát Xoan là di sản độc đáo của dân tộc Việt Nam. Ngày 24/11/2011, UNESCO đã chính thức ghi danh Hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới. Với nhiều nỗ lực của Phú Thọ, năm 2017, Hát Xoan chính thức được UNESCO rút khỏi danh sách này để chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những người thực hiện dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc Hát Xoan” cũng mong muốn chung tay bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị Hát Xoan ra ngoài cộng đồng.