Chính quyền luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp. Việc đồng hành phải được thể hiện bằng kết quả cụ thể, đặc biệt tạo ra cơ chế chính sách đầu tư thuận lợi, hài hòa với lợi ích chung của chính quyền - doanh nghiệp và người dân.
TTXVN - Chiều 13/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chủ trì buổi đối thoại lần thứ I - 2023 với trên 100 doanh nghiệp. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng hoạt động, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Trên tinh thần thẳng thắn, các doanh nghiệp đã gửi 16 ý kiến bằng văn bản cũng như trực tiếp phát biểu đề xuất, kiến nghị tại buổi đối thoại. Các ý kiến tập trung vào các nhóm nội dung gồm: Cơ chế chính sách về đất đai; quản lý tài nguyên môi trường; quản lý về giao thông vận tải; thu hút đầu tư; thủ tục hành chính; chính sách thuế; việc bao tiêu liên kết trong sản xuất nông nghiệp; vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.
Đại diện Công ty Cổ phần Bảo Toàn Ô tô, đơn vị đầu tư dự án Chợ Ngan Dừa, huyện Hồng Dân cho biết, hiện giá thuê đất quá cao, mỗi ngày phải trả khoảng 20 triệu đồng tiền thuê đất, chi phí rất nặng cho doanh nghiệp, đề nghị UBND tỉnh xem xét lại.
Với đề nghị này, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu cho rằng, doanh nghiệp vẫn được hưởng ưu đãi đầu tư theo chính sách cũ. Tuy nhiên, ở thời điểm có chính sách mới, doanh nghiệp vẫn chọn chính sách ưu đãi cũ, do đó hiện không được hỗ trợ tiền thuê đất mới. Cục Thuế đã mời doanh nghiệp đến giải thích, trao đổi nhiều lần về vấn đề này.
Lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, doanh nghiệp có kiến nghị giảm giá thuê đất, mặc dù rất chia sẻ với doanh nghiệp nhưng không có căn cứ để giảm giá thuê đất.
Đại diện Hợp tác xã Đồng Tiến, huyện Hòa Bình phản ánh nghêu bị chết do ảnh hưởng của dự án điện gió Hòa Bình 1 và đề nghị dự án hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại. Vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Hòa Bình cho biết, sau khi có kiểm tra, giám định của ngành chuyên môn, nghêu chết không phải do cầu dẫn của điện gió đi qua gây nên. Do đó, chủ đầu tư điện gió không chấp nhận bồi thường mà chỉ hỗ trợ cho Quỹ an sinh xã hội để giúp xã viên Hợp tác xã Đồng Tiến giảm bớt khó khăn.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Việt Úc Hòa Bình đề nghị, đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy lợi khu vực ven biển, nhất là các dự án cống qua đê thi công quá chậm làm cho nhiều khu vực nuôi tôm thiếu nước.
Lãnh đạo Ban Quản lý các dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện còn ba dự án cống bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, trong đó có hai cống phải có bảo vệ thi công, và phải mất từ 4 đến 6 tháng để hoàn thành một dự án. Đơn vị này sẽ phối hợp với các bên có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm tháo gỡ khó khăn về vấn đề nguồn nước phục vụ nuôi tôm của doanh nghiệp và người dân.
Sau hơn 3 giờ thảo luận trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cùng các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu kết thúc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đánh giá cao tinh thần thẳng thắn của các doanh nghiệp; khẳng định những ý kiến của các doanh nghiệp không chỉ phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp mà vì môi trường kinh doanh chung của tỉnh.
Tỉnh đang tập trung vào 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội gồm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng sạch; du lịch; giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển. Đồng thời quyết tâm cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng GDP từ 9 -11% trong năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh. Do đó, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp, qua đó đã phần nào tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu khẳng định, chính quyền luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp. Việc đồng hành phải được thể hiện bằng kết quả cụ thể, đặc biệt tạo ra cơ chế chính sách đầu tư thuận lợi, hài hòa với lợi ích chung của chính quyền - doanh nghiệp và người dân.
Để tiếp tục duy trì sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền với doanh nghiệp, ông Phạm Văn Thiều đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ, thông tin phản hồi những khó khăn vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn để các cấp chính quyền nắm thông tin, có giải pháp hỗ trợ xử lý kịp thời. Đây chính là một trong những giải pháp để tỉnh phấn đấu thoát khỏi nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh thấp./.