Buổi đối thoại nhằm giải đáp, làm rõ những chính sách, nội dung phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Ngày 29/5, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tiếp xúc, đối thoại với cán bộ quản lý, người lao động, thành viên hợp tác xã, kinh tế tập thể. Buổi đối thoại nhằm giải đáp, làm rõ những chính sách, nội dung phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh thời gian qua; đồng thời định hướng, hỗ trợ kinh tế tập thể của tỉnh phát triển hơn trong thời gian tới.
Qua tổng hợp phiếu lấy ý kiến đã ghi nhận được 692 ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất của cán bộ quản lý, người lao động, thành viên hợp tác xã, kinh tế tập thể, trong đó có 262 ý kiến đồng thuận cao việc tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, nhiều mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, nhiều cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đặt vấn đề hiện nay, Hợp tác xã Kỳ Như đang định hướng chiến lược với việc xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung theo hướng an toàn sinh học (tập trung vào cá thát lát, lươn, ếch), nhằm gia tăng chất lượng thủy sản thương phẩm, cung cấp cho thị trường xuất khẩu, đồng thời làm cơ sở cho các nông hộ mở rộng mô hình, góp phần phát triển sản phẩm thủy sản của Hậu Giang theo hướng bền vững, an toàn sinh học. Vì vậy, hợp tác xã mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm giúp hợp tác xã có thêm nguồn lực để mở rộng xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung theo hướng an toàn sinh học.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng về hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 09/11/2022 của Tỉnh ủy Hậu Giang...
Song song đó, tỉnh vận động, tăng cường thu hút, kết nạp thành viên mới; tăng vốn góp của các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác. Cũng như tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; từng bước mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa của hợp tác xã, tổ hợp tác.
Trong những năm qua, Hậu Giang dành nhiều quan tâm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cụ thể, tỉnh ban hành Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 270 hợp tác xã, 4 liên hiệp hợp tác xã với vốn hoạt động trên 511 tỷ đồng, thu hút gần 8.500 thành viên, tạo việc làm cho gần 13.000 lao động. Toàn tỉnh có gần 740 tổ hợp tác với hơn 11.000 thành viên. Các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ…/.