An sinh

Tháng Hành động vì trẻ em 2024: Tạo môi trường phát triển cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn

Tinh Lạng Sơn vận động các nguồn lực chăm sóc, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; xây dựng thêm các không gian vui chơi để trẻ được sống trong môi trường an toàn, thân thiện...

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Ảnh: Nguyễn Quang Duy - TTXVN

Ngày 28/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội trong bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện; đồng thời, vận động xã hội góp sức cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và có hoàn cảnh đặc biệt; hạn chế tối đa tình trạng trẻ bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích...

Tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên đề nghị, các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ 25 quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em; tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường; trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên phát biểu tại lễ phát động.
Ảnh: Nguyễn Quang Duy - TTXVN

Các đơn vị liên quan tích cực quan tâm hơn nữa trong việc bố trí, vận động các nguồn lực chăm sóc, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; quan tâm đầu tư, xây dựng, bố trí thêm các không gian vui chơi để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước, tỉnh đã ban hành thêm một số chính sách riêng nhằm giảm bớt khó khăn cho đối tượng trẻ em yếu thế. Nhờ đó, cuộc sống và quyền trẻ em được thực hiện tốt hơn. Từ đầu năm 2024 đến ngày 28/5, trên địa bàn đã có 2.476/3.200 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng; 17.600 trẻ dưới 6 tuổi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập được đảm bảo các chế độ bảo hiểm y tế theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã kịp thời tham mưu thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật dành cho trẻ em theo quy định như: phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm II trực tiếp hỗ trợ trẻ em khuyết tật (trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) tổ chức chương trình khám sàng lọc cho 400 trẻ em mắc các dạng dị tật bẩm sinh, khuyết tật tại các huyện, thành phố...

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện, toàn tỉnh có hơn 33.400 trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; 153 trẻ sống trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 18 trẻ bị xâm hại, 44 trẻ bị tai nạn thương tích. Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị, bể bơi, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh còn thiếu; các khu vui chơi, nhà văn hóa dành cho trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong dịp nghỉ hè…

Dịp này, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn đã hưởng ứng đóng góp, ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lạng Sơn để hỗ trợ kịp thời những em có hoàn cảnh đặc biệt./.

Nguyễn Quang Duy

Xem thêm