Lực lượng lao động di cư từ các tỉnh đến đã đáp ứng nhu cầu lớn về nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, có trình độ, bù đắp sự thiếu hụt nhân lực do mức tăng dân số tự nhiên của Thành phố ở mức thấp.
Ngày 8/11, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò của lao động di cư trong nước đối với sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và giải pháp chính sách về vấn đề lao động - việc làm trong tình hình mới".
Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng nhận diện rõ hơn những thách thức; trao đổi, tìm kiếm giải pháp phù hợp để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và lao động di cư tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.
Khái quát thực trạng lao động di cư nội địa giai đoạn 2019 - 2022, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh lực lượng lao động di cư từ các tỉnh đến đã đáp ứng nhu cầu lớn về nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, có trình độ, bù đắp sự thiếu hụt nhân lực do mức tăng dân số tự nhiên của Thành phố ở mức thấp. Tuy nhiên, bức tranh về di cư lao động hiện nay đang thay đổi, đặt ra những câu hỏi về chiến lược phát triển của Thành phố, đặc biệt là khả năng thu hút và giữ chân lao động di cư chất lượng cao.
Ông Phạm Bình An đề xuất định hướng chính sách hỗ trợ giúp lao động di cư dễ dàng tiếp cận các chính sách an sinh xã hội; xây dựng môi trường lao động công bằng, an toàn; hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề; khuyến khích doanh nghiệp tham gia hỗ trợ lao động di cư…
Thạc sỹ Lê Văn Thành, nguyên Phó trưởng phòng Nghiên cứu phát triển đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố cũng cho rằng, 70% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp là lao động di cư. Cơ cấu nguồn nhân lực lao động ngoại tỉnh phản ảnh thực trạng mâu thuẫn cung cầu lao động của Thành phố; họ tham gia trong các ngành nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và kỹ năng nghề như kỳ vọng về nguồn nhân lực chất lượng cao. “Tuy nhiên, lao động di cư đã mang lại một nguồn nhân lực trẻ cho một cơ cấu dân số đang già hóa của Thành phố, thỏa mãn nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế đang bứt phá. Họ đóng góp lực lượng lao động trẻ (tuổi bình quân chỉ 25- 26) cho Thành phố trong quá trình phát triển”, Thạc sỹ Lê Văn Thành chia sẻ.
Cùng quan điểm, Thạc sỹ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố cần có cái nhìn chung, thống nhất quan điểm về người lao động, thay đổi góc nhìn về xu hướng tới, mô hình phát triển kinh tế, nhu cầu lao động việc làm trong giai đoạn mới…
Dự báo, nhu cầu lao động tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 2035 bình quân 320.000 chỗ làm việc/năm, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới. Thạc sỹ Trần Anh Tuấn cho rằng Thành phố cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao, nhất là cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực theo định hướng phát triển; nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu về cơ cấu dân số thay đổi, tình hình phát triển kinh tế Thành phố, thu hút đầu tư nước ngoài, mức sống, chi phí sinh hoạt tăng cao; nhu cầu việc làm các địa phương tăng khiến số lượng người lao động vào Thành phố sẽ giảm, xảy ra tình trạng cung không đủ cầu. Các đại biểu cũng chia sẻ vấn đề di dân qua nhiều giai đoạn phát triển; một số vấn đề về lao động di cư và giải pháp lao động - việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá cung - cầu lao động trong cơ cấu lao động di cư từ giai đoạn 2019 - 2023, dự báo giai đoạn 2024 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030…/.