Lao động trẻ và xu hướng mới của thị trường lao động: * Bài cuối: Xây dựng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, COVID-19 và những biến động kinh tế thế giới đã và đang làm cho thị trường lao động bất ổn và dự báo tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động.
TTXVN - Tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, COVID-19 và những biến động kinh tế thế giới đã và đang làm cho thị trường lao động bất ổn và dự báo tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Có những ngành nghề “hot” gần như bị mất đi, song cũng có những ngành nghề mới ra đời, tạo ra thêm nhiều việc làm mới phù hợp và thúc đẩy xã hội phát triển nhanh hơn; đặc biệt các ngành nghề gắn với công nghệ, chuyển đổi số…
* Công nhân thời đại số
Chia sẻ kinh nghiệm rút ra trong thời gian xảy ra dịch bệnh, giãn cách xã hội, ông Đoàn Tiến Vũ, Giám đốc quản lý đối tác chiến lược Công ty Cổ phần Careerbuilder (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, hầu hết công nhân viên chức, người lao động, nhất là lao động trong nhóm ngành công nghệ hoặc có liên quan đến công nghệ có khả năng hoàn thành tốt công việc mà không cần đến văn phòng. “Sau đại dịch, một bộ phận không nhỏ người lao động đã quen dần với phương thức làm việc từ xa và làm việc kết hợp. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã xác nhận và ứng dụng phương thức làm việc này bởi tính ưu Việt của nó như tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cùng những chi phí khác không cần thiết…”, ông Đoàn Tiến Vũ chia sẻ.
"Lao động trẻ hiện nay làm việc không thể tách rời với công nghệ. Họ thường yêu cầu quyền truy cập vào những giải pháp công nghệ và thiết bị hiện đại để hoàn thành công việc của mình", bà Vũ Thị Anh Thơ, đại diện Câu lạc bộ nhân sự Việt Nam (VNHR) chia sẻ về lực lượng lao động trẻ hiện nay. Theo bà, họ thích ứng rất nhanh với các ứng dụng mới trong thế giới công nghệ và cũng thường xuyên kết nối, cập nhật nhanh trên các mạng xã hội. Có thể xem họ là những công dân công nghệ. Đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh.
Lao động trẻ thế hệ gen Z ngày nay không thích ràng buộc nên xu hướng làm việc từ xa, phương thức làm việc linh hoạt luôn là ưu tiên và kỳ vọng khi tham gia thị trường lao động. Do vậy, doanh nghiệp không chỉ đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ; có kế hoạch tuyển dụng, thu hút và giữ chân nhân tài mà cũng cần thích ứng linh hoạt để nâng cao chất lượng sản xuất, xây dựng thương hiệu uy tín, hiện đại.
Thị trường việc làm đang dần nghiêng về phía có lợi cho người lao động nhiều hơn doanh nghiệp, nhất là khi thế hệ gen Z tham gia lao động ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý kỹ năng kỹ thuật số hay kỹ năng sử dụng công nghệ là yếu tố quan trọng nhất mà người tham gia lao động cần có để tìm việc, nhất là khi nền kinh tế kỹ thuật số đang bao trùm mọi ngành nghề.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, trong những năm tới, số lượng việc làm mới do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều gấp 7 lần so với số việc làm bị mất đi. Đến năm 2045, ước tính sẽ có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại và một số lượng việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất.
Tuy nhiên, ILO cảnh báo việc này phụ thuộc vào thực tế lực lượng lao động trong nước có đủ kỹ năng phù hợp thông qua các nền tảng số hay không; sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất đã và đang tiếp tục đặt ra nhiều thách thức mới đối với thị trường lao động. Ngược lại, người lao động có trình độ, kỹ năng hạn chế sẽ chịu tác động mạnh hơn, nguy cơ mất việc cao hơn dưới tác động của khoa học và công nghệ mới; nguồn lao động dồi dào, giá rẻ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh hay thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là những ngành thâm dụng lao động.
* Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm tài chính và kinh tế của cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, Thành phố còn là trung tâm giao thương, đầu tư của khu vực Đông Nam Á.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển của Thành phố không chỉ thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài mà còn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về phát triển kinh tế - xã hội. Hay nói cách khác, khi kinh tế thành phố ngày càng phát triển, đòi hỏi sự hiện đại và tính chuyên nghiệp trong quản lý, sản xuất càng cao.
Các chuyên gia lao động việc làm nhìn nhận sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xu hướng chuyển đổi số hiện nay đặt ra yêu cầu Thành phố phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, nhân lực có kiến thức chuyên sâu về khoa học - công nghệ, theo xu hướng chuyển dịch để đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Từ thực tiễn, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, trường đại học, cơ sở đào tạo nghề tập trung nâng cao năng lực đào tạo, đào tạo nghề chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động việc làm; đặc biệt là lao động lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số và khoa học - công nghệ. Thành phố đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; đào tạo nhân lực trình độ cao trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ chủ yếu, 8 ngành dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN và 13 nghề quốc tế gắn với các trường trọng điểm của Thành phố.
Để phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã có chủ trương đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trung học; đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao gắn với nhu cầu xã hội. Sở thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận thực tế và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; tổ chức khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ quản lý, người làm giáo dục nghề nghiệp. Sở tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực; phát triển học liệu số, số hóa quá trình đào tạo; kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với giáo viên và nhà trường...
Từ góc độ cơ sở đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao vị thế của Thành phố và khu vực. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, quốc tế; phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhà trường đang tập trung liên kết với nhiều doanh nghiệp để đào tạo cung ứng nhân lực chất lượng cao; có năng lực, phẩm chất; có tư duy logic chặt chẽ, sáng kiến đột phá, tinh thần hợp tác; có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc. “Đặc biệt, trường đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật dạy học; tăng cường các khóa đào tạo khả năng thích ứng trong môi trường quốc tế, kiến thức ngoại ngữ và công nghệ thông tin để giúp sinh viên tiếp cận nhanh tri thức, công nghệ hiện đại, thích ứng hội nhập trong khu vực và thế giới”, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Trước những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong nước ngày càng cao hướng đến hội nhập quốc tế, ông Võ Quang Huệ, Cố vấn Cấp cao Tập đoàn Vingroup khuyến nghị các trường tập trung đào tạo nâng cao năng lực thực hành, nâng thời gian thực hành; tăng cường đào tạo kỹ năng nghề gắn với ngành đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết…
Từ kinh nghiệm thực tiễn làm việc tại các Tập đoàn BMW, Bosch, VinFast, Vingroup, ông Võ Quang Huệ khuyến khích sinh viên, lao động trẻ nỗ lực học tập, tăng cường rèn luyện chuyên môn, thường xuyên trau dồi ngoại ngữ để hoàn thiện mình. Đặc biệt, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, mỗi người trẻ cần hành động, vượt khó, tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phát huy tiềm năng, khát vọng vươn xa trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp…
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học và hơn 320 trường cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, cơ sở dạy nghề đã cung cấp cho thị trường lao động mỗi năm hàng triệu người lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao.
Cùng với đó, Thành phố đã thiết lập các quan hệ đối tác giáo dục với các quốc gia, vùng lãnh thổ để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này giúp đưa các chương trình đào tạo của Thành phố lên tầm quốc tế, đồng thời tăng cường sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp và mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Có thể thấy, với sự phát triển không ngừng, Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư quốc tế từ nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như khu vực ASEAN./. (Hết)
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh