Các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước.
TTXVN - Ngày 21/2, Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân, khai hội làng Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024 do UBND huyện Hoài Đức tổ chức đã diễn ra tại Cụm di tích đền - đình thôn Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Đến dự buổi lễ có Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng đại diện các ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội.
Tại đình Giang Xá, các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước.
Theo truyền thuyết và sử sách ghi lại, Lý Bí sinh ra ở thôn Cổ Pháp (nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Lý Bí gắn bó với miền đất Giang Xá, Hoài Đức suốt thời niên thiếu đến lúc trưởng thành; do căm ghét chế độ đô hộ nhà Lương, bất mãn với sự tham lam tàn bạo của Tiêu Tư nên đã ngầm chiêu mộ quân sĩ ở các châu, huyện để khởi nghĩa chống giặc nhà Lương.
Ngày 4 tháng 2 năm 542, Lý Bí họp quân ở chùa Giang Xá, lập đàn cầu trời đất và bách thần. Ngày 10 tháng 3, Lý Bí khao mừng quân sĩ và phát động khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ nhà Lương. Chỉ sau ba tháng khởi sự, cuộc khởi nghĩa đã xóa bỏ chính quyền đô hộ của nhà Lương ở Giao Châu. Tiếp đó, Lý Bí cùng đại quân của mình tiếp tục tổ chức kháng chiến chống lại hai đợt tấn công của nhà Lương ở phía Bắc và cuộc xâm lấn của Lâm Ấp ở phía Nam. Sau khi đánh dẹp được quân Lương và Lâm Ấp, tháng Giêng năm Giáp Tý (năm 544) Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức, dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội triều.
Việc xưng Đế hiệu, đặt Quốc hiệu là sự thể hiện ý chí độc lập, bản lĩnh kiên cường, thể hiện rõ nét ý thức trưởng thành của dân tộc. Ông lên ngôi Hoàng đế - vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, với vị thế sánh ngang các Hoàng đế Trung Hoa. Đây cũng là sự thể hiện tầm vóc mới của nhà nước Vạn Xuân sánh ngang các triều đại phong kiến Phương Bắc.
Lý Nam Đế lên ngôi được 4 năm (544 - 548). Sau nhiều trận giao tranh với kẻ thù không giành được thắng lợi, Lý Nam Đế lui về động Khuất Lão dưỡng bệnh và qua đời ở đây. Nhân dân địa phương đã tổ chức an táng, xây lăng mộ và đền thờ Ngài. Khu lăng mộ và đền thờ tọa lạc tại xã Văn Lương (nay thuộc xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường chia sẻ: Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí tuy chỉ đưa đất nước ta độc lập được chưa đầy 4 năm nhưng có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, còn lưu mãi trong trang sử hào hùng của dân tộc. Đó là cuộc khởi nghĩa giành được chiến thắng vang dội nhất, giành được quyền tự chủ lâu dài nhất, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta, là hình ảnh đầy ý nghĩa của khát vọng độc lập, hòa bình, nhân văn. Sự nghiệp của Lý Nam Đế là ngọn đuốc tiếp nối, thắp sáng con đường chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam đi suốt qua gần 15 thế kỷ, đến hôm nay và mai sau.
Đã thành truyền thống, hằng năm nhân dân làng Giang Xá tổ chức 4 ngày lễ tại Di tích đình - đền, trong đó: Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng là ngày Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, thành lập nhà nước Vạn Xuân; ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày ông xuất quân ra trận; ngày mùng 2 tháng 5 âm lịch là ngày huý nhật của ông và ngày 12 tháng 9 âm lịch là nhớ ngày sinh của ông.
Trong suốt tiến trình của cuộc khởi nghĩa, Hoài Đức vinh dự và tự hào là quê hương thứ hai gắn liền với tên tuổi và công lao của ông. Đây là nơi Lý Nam Đế chọn làm nơi hội quân, lập đàn thề, phất cờ khởi nghĩa, ra trận đánh thắng giặc nhà Lương.
Cảm sâu công đức của Lý Nam Đế, bao đời nay các thế hệ người dân Hoài Đức đã lập đền thờ, tu bổ các di tích thờ ông ngày thêm khang trang, luôn trao truyền phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp để bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng./.