Liên đoàn Lao động Thủ đô thi đua hướng về cơ sở, trọng tâm là người lao động
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn chú trọng đến công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, những tập thể nhỏ.
(TTXVN) Ngày 3/1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua năm 2023, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, quyết tâm lao động giỏi, lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng hiệu quả cao nhất; phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; ổn định việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động.
Để phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn từng bước nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, để khen thưởng thực sự là động lực của thi đua. Việc tổ chức phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở, cần xác định rõ chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện; chú trọng đến công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, những tập thể nhỏ.
Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên cơ sở báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp khẩn trương xây 4 dựng kế hoạch triển khai phù hợp với từng đối tượng; gắn với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đặc thù của từng Công đoàn cơ sở, nhất là Công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp. Mỗi Công đoàn cấp trên cơ sở chọn từ 1- 2 đơn vị tổ chức phát động thi đua điểm từ nay đến ngày 15/02.
Theo kế hoạch, việc phát động phong trào thi đua đợt 1 (từ tháng 01/01 - 30/6/2023) với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp"; đợt 2 (từ 01/7 - 31/12/2023)với chủ đề "Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023". Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, trong sự phát triển của Thủ đô vừa qua có sự đóng góp rất lớn của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân viên chức lao động. Tổ chức Công đoàn Thủ đô đã vượt qua khó khăn của năm 2022, giữ vững vai trò là tổ chức chính trị - xã hội quy tụ đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Liên đoàn Lao động thành phố đã làm tốt công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đề xuất với thành phố kiến nghị của người lao động; cụ thể hóa Hội nghị cán bộ công chức viên chức, Hội nghị người lao động với tỷ lệ cao, thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, người lao động.
Năm 2022, tổ chức Công đoàn Thủ đô thực sự đổi mới, sáng tạo, thích ứng, linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động. Các cấp Công đoàn làm tốt công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh của công nhân viên chức lao động. Dư luận công nhân viên chức lao động và nhân dân đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chăm lo chu đáo cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; trong đó có công nhân viên chức lao động và con công nhân viên chức lao động. Công nhân lao động an tâm, phấn khởi nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm tiền lương, thưởng Tết, hỗ trợ kinh phí đưa, đón, về quê đón Tết; thăm hỏi, động viên những trường hợp không có điều kiện về quê chung vui cùng với gia đình...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn Thủ đô năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền và công nhân lao động ở cấp quận, huyện còn ít; chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức Hội nghị người lao động tại các doanh nghiệp nhiều nơi còn hình thức; số vụ tai nạn lao động, ngừng việc tập thể còn xảy ra, một số vụ ngừng việc tập thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Vai trò tham gia quản lý, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở một số đơn vị còn chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao. Chất lượng hoạt động của một số Công đoàn cơ sở chưa theo kịp sự phát triển của đoàn viên, người lao động…
Năm 2022, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 5 vụ ngừng việc tập thể với sự tham gia của trên 1.000 công nhân lao động. Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật về giải quyết thanh toán tiền cho những ngày nghỉ phép năm, tiền lương, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên... gây bức xúc cho người lao động. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Kết quả, ngay sau khi được tư vấn, tuyên truyền, giải thích, 100% công nhân lao động đã đồng ý với phương án giải quyết của người sử dụng lao động đưa ra và chấm dứt việc tập trung đông người. Ngoài ra, toàn thành phố xảy ra 89 vụ tai nạn lao động (trong đó có 16 vụ nghiêm trọng), làm 16 người chết, 5 người bị thương nặng. Đến nay, còn 78.853 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên, với số tiền trên 15.008 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống, chế độ chính sách của 940.859 người lao động, tiềm ẩn nguy xảy ra tranh chấp lao động.../.