Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2022: Tôn vinh, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của người dân Nam Bộ
Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức, góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật của nhân loại được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
(TTXVN) Ngày 25/11, tại Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã diễn ra Lễ bế mạc Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2022.
Liên hoan diễn ra từ 23 – 25/11 với sự tham gia của 10 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.
Các tiết mục biểu diễn tham dự Liên hoan xoay quanh chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nêu gương người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất, phê phán hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, động viên, khuyến khích toàn xã hội tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Qua 2 ngày thi đấu sôi nổi, Ban tổ chức đã trao 5 giải A cho các tiết mục: Giọt sữa cuối cùng (Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Vĩnh Lợi), Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xuân (Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Hoà Bình), Giá Rai ngày ấy bây giờ (Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thị xã Giá Rai), Lời mẹ vững lòng tin (Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Vĩnh Lợi), Tình người cô phụ (Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Phước Long). Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 10 Giải B và 15 Giải C cho các tiết mục.
Ở giải tập thể, giải A được trao cho Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Vĩnh Lợi; 2 giải B thuộc về Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Phước Long và Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Hoà Bình; có 4 giải C và 3 giải Khuyến khích.
Ban Giám khảo đánh giá, Liên hoan đã hội tụ được những ngón đờn điêu luyện, giọng ca hay và chủ đề trong từng tiết mục biểu diễn gắn liền với đời sống văn hóa đương đại. Hầu hết các các tiết mục dự thi có nội dung tốt, phù hợp với chủ đề của Liên hoan. Nhiều tiết mục có sự đầu tư trong kịch bản, biểu diễn, có nhiều đột phá về cách ca, thể hiện, chứng tỏ bước phát triển mới của Đờn ca tài tử trong thời kỳ hội nhập, quảng bá Đờn ca tài tử, đưa loại hình nghệ thuật này gắn kết chặt chẽ trong đời sống cộng đồng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, Trưởng ban Tổ chức cho biết: Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ được tỉnh Bạc Liêu được xác định là một trong nhiều hình thức thể hiện, góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật của nhân loại được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Liên hoan tôn vinh và quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng; bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử trong đời sống hiện đại, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đờn, tài tử ca đang sinh hoạt trong các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm để phát triển phong trào Đờn ca tài tử - cải lương Nam Bộ; duy trì sinh hoạt văn hóa nghệ thuật lành mạnh, tăng thêm sự đa dạng, phong phú và hiệu quả thiết thực cho phong trào văn hóa – văn nghệ tại cơ sở; tạo sinh khí phấn khởi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi của phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ. Ông Nhạc Khị là người đầu tiên thành lập Ban cổ nhạc ở Bạc Liêu. Bạc Liêu tự hào về những thành tích của các nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc qua các thời kỳ như Sáu Lầu, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lư Hòa Nghĩa… và đặc biệt là quê hương của bản Dạ cổ hoài lang. Chính bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã mở ra một trào lưu sáng tác mới, đồng thời đã bắt mạch, khơi nguồn thêm cho dòng chảy âm nhạc cổ truyền của dân tộc và năm nay tròn 100 năm ra đời của bản nhạc bất hủ này./.