Ngành nông nghiệp và các địa phương tỉnh Quảng Trị tích cực hỗ trợ và hướng dẫn nông dân thu hoạch nhanh gọn lúa Đông Xuân 2023 - 2024.
Kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày (từ 27/4 - 1/5), trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra nắng nóng đặt biệt gay gắt; nhiệt độ hàng ngày hầu như trên 40 độ C, có ngày lên đến 44 độ C (ngày 28/4). Người dân và du khách phải linh hoạt điều chỉnh thời gian sản xuất, vui chơi để hạn chế tác động từ đợt nắng nóng lịch sử này.
Thu hoạch lúa vất vả hơn
Những ngày này, nông dân tỉnh Quảng Trị tập trung thu hoạch gần 26.000 ha lúa vụ Đông Xuân 2023-2024. Cao điểm thu hoạch lúa diễn vào những ngày xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Do vậy, bà con cũng điều chỉnh thời gian thu hoạch lúa trong ngày, để hạn chế tác động của nắng nóng kéo dài.
Cánh đồng lúa xã Triệu Long, huyện Triệu Phong chín vàng óng. Để tránh nắng nóng đặc biệt gay gắt, nông dân thu hoạch lúa vào sáng sớm và cuối chiều cho đến đêm. Buổi tối trên các cánh đồng lúa, những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất, cùng với đèn điện chiếu sáng đã làm cho khung cảnh làng quê vốn yên tĩnh trở nên nhộn nhịp.
Bà Nguyễn Thị Thật, thôn Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long chia sẻ, làm nông nghiệp bà con đã quen với nắng nóng nhưng đợt nắng nóng đang diễn ra thì nhiều năm rồi mới gặp. Nắng nóng đặc biệt gay gắt khiến thu hoạch lúa vất vả hơn. Tuy nhiên, vụ lúa này không bị dông lốc và mưa lớn, làm lúa đổ ngã vào thời kỳ lúa chín nên năng suất cao, đạt trên 60 tạ/ha. Do có nắng cả ngày nên lúa gặt đến đâu phơi khô đến đó, vì vậy chất lượng lúa rất tốt. Lúa được mùa lại còn được giá, bà con bán được 9.000 đồng/kg (trong khi vụ Hè Thu 2023 là 8.800 đồng/kg). Nắng nóng đặc biệt gay gắt kéo dài khiến việc thu hoạch lúa vất vả hơn nhưng bà con vẫn vui vì lúa được mùa, được giá, thuận lợi trong phơi khô và bảo quản.
Ở các địa phương khác, bà con cũng chủ yếu thu hoạch lúa vào chiều tối đến đêm, để tránh nắng nóng đặc biệt gay gắt. Lúa thu hoạch buổi tối, sáng sớm hôm sau đem đi phơi. Với nắng nóng như hiện nay chỉ cần phơi 1 ngày là có thể bán thóc, thay vì phơi 2 - 3 ngày nếu có nắng nhẹ hoặc phải đem đến các lò sấy nếu trời mưa. Thu hoạch lúa xong, bà con tiếp tục cắt gốc lúa, thu dọn rơm rạ và vệ sinh đồng ruộng, sau đó lấy nước vào đồng ruộng để làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ Hè Thu 2024 (bắt đầu từ ngày 10/5).
Để hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng đến sức khỏe, ngoài thay đổi thời gian thu hoạch lúa, bà con đội mũ dày và rộng vành, mặc áo dày và dài tay, đeo bao tay, đặc biệt mang theo nhiều nước lá vôi, chè xanh để nguội uống, giúp giải nhiệt cho cơ thể.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương hỗ trợ và hướng dẫn nông dân thu hoạch nhanh gọn lúa Đông Xuân 2023 - 2024; tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để phơi lúa sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo; đồng thời làm đất gieo cấy vụ lúa Hè Thu đảm bảo thu hoạch trước ngày 30/8 nhằm hạn chế tổn thất do mưa lũ khi vào mùa mưa bão.
Ngày vắng vẻ, tối nhộn nhịp
Dịp nghỉ lễ dài ngày nhưng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt, làm cho người có tâm lý "ở yên một chỗ" để tránh nóng.
Tại thành phố Đông Hà, từ khoảng 10-16 giờ hàng ngày, trên các tuyến đường trung tâm như: Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo…, thi thoảng mới thấy một vài người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Cảnh tượng vắng vẻ cũng diễn ra ở hầu khắp các tuyến đường, cánh đồng trên địa bàn tỉnh vào giờ cao điểm nắng nóng. Những ngày qua, nhiệt độ đo được do cơ quan chức năng thực hiện luôn đạt trên 40 độ C; thực tế ở ngoài đường, nhất là ở các đô thị, nhiệt độ có khi lên đến gần 50 độ C do hiệu ứng nhiệt.
Ông Nguyễn Văn Hào, 39 tuổi, Phường 5, thành phố Đông Hà chia sẻ, thời gian nghỉ lễ dài nhưng gia đình hầu như ở trong nhà vì thời tiết quá nóng. Ở trong nhà, gia đình cũng hạn chế nấu ăn để dành thời gian nghỉ ngơi, đồ ăn và những loại nước uống giải nhiệt đặt mua thông qua dịch vụ giao hàng tận nơi.
Trái ngược với cảnh tượng vắng vẻ gần như cả ngày, vào sáng sớm và cuối chiều cho đến đêm, ở bờ sông và bãi biển lại rất đông đúc người dân và du khách. Đường Hoàng Diệu, khu vực dọc bờ Bắc sông Hiếu, thành phố Đông Hà, bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 19 giờ hằng ngày. Các quán bán nước dừa, nước mía dọc bờ sông Hiếu luôn trong tình "quá tải" do khách quá đông. Để tránh nắng nóng, người dân hầu như "nhốt mình" trong nhà ban ngày, đến tối tiết trời dịu hơn nhiều nên ra bờ sông để tận hưởng không khí tự nhiên trong lành. Các quán bán nước giải khát cũng vì thế mà "ăn nên làm ra". Đơn cử như giá một quả dừa thường bán 25.000 đồng, nhưng những ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt này, "cung không đủ cầu" nên dừa tăng giá lên 35.000 đồng/quả, người bán vẫn "cháy hàng".
Tại các bãi biển nổi tiếng ở Quảng Trị như: Cửa Việt, Cửa Tùng, Vĩnh Thái, Gio Hải, Mỹ Thủy... luôn đông kín người dân và du khách đến tắm giải nhiệt khoảng từ 5 - 6 giờ sáng và từ cuối chiều đến đêm. Phố đêm trên đường Nguyễn Huệ, thị trấn vùng biên Lao Bảo, huyện miền núi Hướng Hóa thu hút hàng chục nghìn người dân và du khách tham dự mỗi tối. Phố đêm này có các hoạt động như chương trình nghệ thuật, mua sắm, vui chơi giải trí và ẩm thực.
Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Lê Bá Hùng cho biết, phố đêm đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc về đêm không chỉ của địa phương, mà còn của tỉnh ở vùng biên giới. Phố đêm này rất hấp dẫn và đặc sắc nhờ có các sản phẩm về văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều.
Ở các điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm như: Suối A Lao ở huyện miền núi Đakrông; thác Tà Puồng, thác Chênh Vênh, suối Tà Đủ ở huyện miền núi Hướng Hóa, cả ngày đông kín người dân và du khách đến ngâm mình dưới dòng nước mát lành và thưởng thức các món ăn là đặc sản của địa phương. Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ nắng nóng đặc biệt gay gắt, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm điện, nước, hạn chế ra ngoài vào khoảng từ 10-16 giờ hằng ngày; uống đủ nước, phòng, chống cháy nổ./.
- Từ khóa:
- Quảng Trị
- linh hoạt sản xuất
- vui chơi
- nắng nóng