Trong những đóng góp to lớn ấy, những người con Thanh Hóa kiên trung và bất khuất, những hành động anh hùng, những tấm gương hy sinh cao cả, cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, góp phần làm nên bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc.
TTXVN - Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 7/5/1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy, quân dân Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp lớn lao được Bác Hồ khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp, hy sinh của quân và dân Thanh Hóa, là động lực để Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
* "Tất cả cho Điện Biên, tất cả để chiến thắng"
Trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân, dân Thanh Hóa vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho các mặt trận, các chiến trường, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa lớn lao của Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần phát huy sức mạnh toàn dân nhằm nhanh chóng huy động cao nhất sức người, sức của cho Chiến dịch, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập Hội đồng cung cấp và đề ra kế hoạch xây dựng hệ thống kho, trạm trên tuyến đường vận tải; huy động thanh niên xung phong sửa đường, bắc cầu cho bộ đội, dân công ra tiền tuyến.
Với tinh thần "Tất cả cho Điện Biên, tất cả để chiến thắng", trong 3 đợt phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động 200.000 dân công hỏa tuyến; hơn 3.500 xe đạp thồ; 1.126 thuyền ván các loại; 31 ô tô; 180 xe bò; 45 voi, ngựa thồ và nhiều phương tiện vận chuyển khác. Thanh Hóa đã cung cấp hơn 4.500 tấn gạo; 350 tấn thực phẩm; 2.000 con lợn; 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại, chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã động viên được 56.792 thanh niên tòng quân, bổ sung cho các chiến trường. Thanh niên xung phong, dân công hùng dũng vượt núi, băng đèo, lội suối, giữ xe, giữ gạo hơn cả giữ tính mạng của mình. Hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm tấn thực phẩm đã được đưa từ miền Tây Thanh Hóa vượt hơn 500 km qua Suối Rút, Mộc Châu, sang Cò Nòi đến Sơn La, tiến thẳng tới Điện Biên. Đội xe thồ được tổ chức chặt chẽ, vượt rừng, vượt núi, bí mật đưa hàng tới đích an toàn.
Trong chương trình “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ” tổ chức tại Thành phố Thanh Hóa mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã khẳng định: “70 năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta dệt nên bản anh hùng ca Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời gian càng lùi xa, ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không bao giờ phai mờ, mà ngày càng tỏa sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần và khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ đang thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.
* Kể mãi chuyện Điện Biên…
Trong những đóng góp to lớn ấy, những người con Thanh Hóa kiên trung và bất khuất, những hành động anh hùng, những tấm gương hy sinh cao cả, cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, góp phần làm nên bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc. Những người lính tham gia chiến đấu khi xưa, có người gửi lại ước mơ, tuổi thanh xuân nơi chiến trường, có người may mắn được trở về, được sống trong hòa bình và tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, rất nhiều bạn trẻ tìm đến nhà của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, “Vua phá bom” Cao Xuân Thọ ở xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa để được nghe ông kể về những năm tháng hào hùng mang tên Điện Biên. Là đội trưởng đội phá bom Đại đội 404, đội Thanh niên xung phong 40, năm nay đã 98 tuổi. Dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, với những di chứng của chiến tranh để lại trên cơ thể nhưng khí chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn ánh lên trong đôi mắt ngời sáng. Câu chuyện về một thời khói lửa đôi lúc bị ngắt quãng bởi những cơn ho, bởi trí nhớ không còn minh mẫn nhưng người lính già ấy vẫn sục sôi nhiệt huyết khi nhớ lại khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ gác đài quan sát bom ở ngã ba chảo lửa Cò Nòi - nơi giao nhau của những con đường huyết mạch vào Điện Biên Phủ.
Chung dòng hồi tưởng về những năm tháng vẻ vang ấy, trong ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa), cựu binh Dương Văn Mận cũng bồi hồi nhớ về những thời khắc cam go ở Điện Biên Phủ 70 năm trước. Năm 19 tuổi, ông xung phong đi bộ đội, đầu tiên vào Trung Đoàn 44, huấn luyện ở Diễn Châu Nghệ An, sau 3 tháng ông được biên chế vào Sư Đoàn 316, Trung đoàn 176, Tiểu đoàn 188, hành quân lên Sơn La đánh phỉ. Đến tháng 11/1953, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đơn vị của ông được lệnh tìm đường lên Điện Biên Phủ, tham gia Chiến dịch “Trần Đình” (bí danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). “Trong đợt tổng công kích ngày 6/5/1954, tôi thuộc Sư đoàn 316, Trung đoàn 176, được giao phụ trách xạ thủ trung liên đánh vào giữa đồn trung tâm. Trong trận đánh ấy tôi bị thương và phải nằm ở hầm cấp cứu. Tôi vẫn còn may mắn hơn một số anh em khác” - ông Mận rưng rưng nhớ lại. Và trong ánh mắt của người cựu binh già ấy vẫn ánh lên ngọn lửa nhiệt huyết năm nào.
Những người như ông Thọ, ông Mận cùng hàng trăm nghìn lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của xứ Thanh đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và những năm tháng hào hùng ấy, những con người ấy sẽ luôn được nhắc mãi cùng những trang sử hào hùng về Điện Biên./.