Lực lượng kiểm lâm đã rút ngắn thời gian nghỉ lễ, chủ động phân bám rừng, bám bản, tăng tần suất các chuyến tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.
TTXVN - Thời tiết tại Nghệ An đang cao điểm đợt nắng nóng, nhiệt độ tại khu vực phía Tây của tỉnh tăng cao. Nhiều địa phương có nền nhiệt vượt mức kỷ lục. Cấp dự báo cháy rừng luôn ở mức nguy hiểm và rất nguy hiểm. Để bảo vệ nghiêm ngặt Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống (một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007), lực lượng kiểm lâm tại các Trạm quản lý, bảo vệ rừng đã thực hiện kế hoạch rút ngắn thời gian nghỉ lễ, chủ động phân công lực lượng “gác” lễ, bám rừng, bám bản, tăng tần suất các chuyến tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.
* Tuần rừng dưới nền nhiệt “đổ lửa”
Vượt hành trình hơn 120km, nhóm phóng viên chúng tôi có mặt tại Trạm quản lý, bảo vệ rừng Bình Chuẩn (xã Bình Chuẩn, huyện Tương Dương, Nghệ An). Sau bữa trưa vội, chúng tôi sửa soạn đồ đạc và nhanh chóng nhập vào Tổ tuần tra của Trạm, thực hiện chuyến hành trình vào vùng lõi đại ngàn Pù Huống.
Từ bản Mét (xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông), chúng tôi di chuyển về bản Na Cọ - một trong 5 bản của xã Bình Chuẩn nằm trong vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Trạm trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng Bình Chuẩn (Hạt Kiểm lâm Pù Huống, thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phù Huống) Nguyễn Tống Phi cho biết: Trạm có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng lõi Khu bảo tồn có diện tích gần 6.900ha với 5 tiểu khu và 4 mốc, từ mốc 33 đến mốc 36. Hành trình tuần rừng sẽ ngược dòng Khe Cố hàng chục km để vào 2 tiểu khu 729 và 730. Chuyến đi nhằm tuần tra rừng tại gốc; nắm bắt tình hình, diễn biến rừng tại các tiểu khu; kiểm tra hệ thống mốc; ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, khai thác, săn bắt động vật rừng trái phép.
Sắp xếp xong thứ tự di chuyển cho mỗi thành viên trong đoàn, Trạm trưởng Nguyễn Tống Phi “khởi lệnh” xuất phát. Con đường mòn nhỏ hẹp, ngoằn nghèo với những con dốc cao, khúc cua gấp, mặt đường nhiều ổ gà,“sống trâu” nên những chiếc xe máy phải gằn gứ nhích lên từng đoạn. Mỗi khi qua suối cạn, lốc máy ngập nước, tỏa khói trắng nghi ngút.
Chạm chân vào Tiểu khu 729, các thành viên trong đoàn phải “độc bộ”. Các giải pháp ngăn ngừa côn trùng tấn công được mọi người thực hiện thêm lần nữa. Qua nhiều lần vượt suối, luồn rừng vất vả trên suốt chiều dài khoảng 5km, các đoàn tiếp cận được mốc đầu tiên.
Anh Đào Công Thắng, Kiểm lâm Trạm quản lý, bảo vệ rừng Bình Chuẩn chia sẻ: Trạm được thành lập năm 2002, đến năm 2003 thì mới hoàn tất việc xây dựng, cắm hệ thống mốc. "Thời điểm đó, để xây dựng, cắm được một mốc, anh em rất cực nhọc, vất vả khi ròng rã hàng tháng cõng từng bao xi măng, bì cát, bì đá xuyên vào đại ngàn thâm u”.
Sau khi phát quang cây bụi phủ lấp quanh mốc, mọi thành viên trong đoàn lại tiếp tục hành trình. Từ đây, đường di chuyển càng vất vả hơn vì phải xuyên qua rừng tre nứa, hỗn giao, rừng săng lẻ hàng chục năm tuổi, len lỏi trong vô số dây leo chằng chịt, giăng kín lối đi dưới tán rừng già. Mỗi lần dừng chân bên khe suối, vách đá để xác định vị trí, phương hướng di chuyển, các thành viên tranh thủ tiếp nước và gỡ bỏ những con vắt rừng bám vào cơ thể đã hút căng máu.
Đi sâu vào đại ngàn, số lần nghỉ ngơi và tần suất tiếp nước, giải tỏa cơn khát của mỗi người lại nhiều hơn. Khi nguồn nước uống mang theo cạn kiệt, các thành viên phải sử dụng nguồn nước ở các mó, khe núi chảy ra. Sau hơn 5 giờ đồng hồ, đoàn đến được Tiểu khu 730, ai nấy đều ướt sũng người. Sự vất vả, mệt nhọc và hiểm nguy trong chuyến tuần rừng giữa cao điểm nắng nóng đều được mọi người cảm nhận rõ.
* Ngày đêm canh rừng, gác lửa
Ông Nguyễn Tống Phi, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Bình Chuẩn cho biết: Trạm có 4 người, so với diện tích rừng quản lý, bảo vệ thì nhân sự rất mỏng. Đợt nghỉ lễ này rơi vào cao điểm nắng nóng, do đặc thù, tính chất công việc nên đơn vị đã rút ngắn thời gian nghỉ lễ còn 2 ngày (30/4 và 1/5), đảm bảo 50% quân số trở lên bám trạm, bám địa bàn, bám bản, bám rừng để ngày đêm gác lửa, canh rừng. Trạm cũng thường xuyên cài cắm các nguồn tin báo, tuyên truyền vận động người dân tố giác các hành vi vi phạm về lâm nghiệp, cung cấp kịp thời cho Trạm để có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo rừng được bảo vệ an toàn.
Vào mùa nắng nóng, để mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, Trạm chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện, máy móc, nhân lực để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” theo phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh đề ra. Trạm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đến tận người dân các bản; ký cam kết đối với các hộ dân sinh sống gần rừng.
Cùng với đó, Trạm xây dựng kế hoạch, phương án phân công địa bàn, các bản vùng đệm, các tuyến đường, tuyến khe trong rừng cho từng kiểm lâm phụ trách. Theo đó, mỗi tháng, Trạm thực hiện từ 4 - 6 chuyến tuần tra, kiểm tra rừng, mỗi chuyến kéo dài từ 3 đến 4 ngày để từng kiểm lâm nắm rõ tình hình, diễn biến trên vùng rừng mình quản lý nhằm tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Trạm, Hạt Kiểm lâm Pù Huống, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và chính quyền UBND xã.
Không riêng Trạm quản lý, bảo vệ rừng Bình Chuẩn, các Trạm đóng chân trên địa bàn các huyện Qùy Châu, Qùy Hợp, Quế Phong, Tương Dương (Nghệ An) cũng thực hiện rút ngắn thời gian nghỉ lễ, đảm bảo lực lượng quân số trực trạm, bám địa bàn, canh rừng, gác lửa rừng 24/24 giờ với quyết tâm phòng, chống “giặc lửa” cao nhất.
Trạm quản lý, bảo vệ rừng Nga My (Hạt Kiểm lâm Pù Huống, thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống) có 6 cán bộ, kiểm lâm, bảo vệ, quản lý hơn 15.300 ha rừng đặc dụng với 16 tiểu khu, 30 mốc trên địa bàn 2 xã Nga My và Xiêng My (huyện Tương Dương), nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn.
Ông Bùi Hữu Sỹ, Trạm trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng Nga My cho biết, diện tích rừng rất lớn, trong khi lực lượng kiểm lâm của Trạm mỏng nên phải tăng tần suất và thời gian những chuyến tuần tra rừng hàng tuần. Xác định trọng điểm mùa cháy rừng năm nay diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7, trong bối cảnh thời tiết nắng nóng diễn biến cực đoan, nền nhiệt tăng cao, phá vỡ những kỷ lục của các năm trước, công tác bảo vệ, canh rừng, gác lửa được đơn vị tăng cường. Mỗi cán bộ, kiểm lâm nỗ lực, quyết tâm “bám rừng, ăn ngủ cùng rừng” để nắm bắt tình hình, diễn biến và bảo vệ tốt vùng rừng được giao.
Trạm đã xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống, chữa cháy rừng. Trong đó, Trạm xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy xảy ra tại 10/16 tiểu khu; vùng trọng điểm có nguy cơ xâm hại rừng (chặt phá, khai thác) tại 7 tiểu khu và các vùng, khu vực có nguy cơ về săn bắt động vật rừng, khai thác khoáng sản…
Ngoài việc đẩy mạnh công tác bám bản, bám rừng, tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng đến từng cơ sở, tổ chức và hộ gia đình; tổ chức hội nghị vùng đệm tuyên truyền giáo dục pháp luật về rừng…
Trạm quản lý, bảo vệ rừng Nga My còn chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ đội nhận khoán bảo vệ rừng tại các bản sẵn sàng nhân lực tham gia chữa cháy rừng khi sự cố xảy ra; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, phối hợp với trung tâm bưu điện văn hóa xã để các thông tin được thông suốt, phục vụ tốt việc chỉ huy, cứu, chữa cháy kịp thời.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống có chức năng bảo tồn các giá trị khoa học và đa dạng sinh học điển hình của rừng Bắc Trung Bộ và Tây Nghệ An. Khu bảo tồn có diện tích hơn 46.480 ha, trải rộng trên 16 xã thuộc 5 huyện miền núi Nghệ An, trong đó có hơn 40.100ha rừng đặc dụng. Đại ngàn Pù Huống hiện có gần 160 loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam, Danh Mục đỏ Thế giới (IUCN) 2020 và Công ước CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp); hơn 90 loài thực vật trong Sách đỏ Việt Nam, Danh Mục đỏ thế giới (IUCN) 2020./.