Đây là điểm giao nhau của Tỉnh lộ 9 và Tỉnh lộ 10, là trung tâm đầu não của quận Đức Hòa trong suốt thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
TTXVN - Ngày 22/6, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cùng đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo tỉnh Long An đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc tại huyện Đức Hòa về việc xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Võ Văn Tần và Nhà lưu niệm đồng chí Võ Văn Ngân tại Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa.
Để tìm hiểu thực trạng Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cùng đoàn đến thắp nhang tại tượng đài đồng chí Võ Văn Tần, tham quan nhà trưng bày tại Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa.
Ngã tư Đức Hòa là điểm giao nhau của Tỉnh lộ 9 và Tỉnh lộ 10, là trung tâm đầu não của quận Đức Hòa trong suốt thời kỳ đấu tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại ngã tư Đức Hòa đã diễn ra 2 sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương. Vào ngày 4/6/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khoảng 5.000 nông dân Đức Hoà đã làm cuộc biểu tình lớn nhất Nam Kỳ trong giai đoạn đó, chống sưu cao, thuế nặng và sự đàn áp của chế độ thực dân. Đồng chí Châu Văn Liêm cùng nhiều đồng bào đã hi sinh trong cuộc biểu tình này.
Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, Ngã tư Đức Hòa cũng là nơi địch xử bắn các chiến sĩ tham gia Nam kỳ khởi nghĩa vào năm 1941, nhằm khủng bố tinh thần đấu tranh của nhân dân địa phương. Trong 3 ngày 7, 8 và 9/7/1941, nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng và khí tiết của bao chiến sỹ Nam Kỳ trước tội ác của kẻ thù.
Hiện chứng tích của khu di tích Ngã tư Đức Hòa còn: Dinh quận Đức Hòa (nơi đồng chí Châu Văn Liêm hy sinh ngày 4/6/1930); Khu vực đài xử bắn các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1941; Hệ thống hầm, lô cốt bảo vệ căn cứ quân sự của Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn xây dựng năm 1964; Sân bay quân sự dã chiến của Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn.
Với ý nghĩa lịch sử ấy, Khu di tích lịch sử Ngã Tư Đức Hòa được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989.
Theo dự kiến, công trình sẽ có các hạng mục: nhà lưu niệm, nhà trưng bày, mộ đồng chí Võ Văn Ngân, tượng đài đồng chí Võ Văn Tần, cổng chính và một số công trình phụ trợ khác… với tổng kinh phí hơn 92,7 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, ông Phan Xuân Thủy khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của công trình này. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc địa phương tiến hành xây dựng công trình nhằm tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng kiên trung trên quê hương Long An là cần thiết, qua đó, góp phần quan trọng trong việc giáo dục cho các thế hệ mai sau truyền thống uống nước nhớ nguồn. Đồng thời, giúp các thế hệ luôn biết trân trọng, gìn giữ và tự hào về tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của quân và dân Đức Hoà nói riêng, Long An nói chung trong công cuộc giành lại độc lập tự do cho dân tộc./.