Kho tư liệu quý “sách Trung Quốc cổ” hiện đang lưu giữ tại Thư viện khoa học xã hội (thuộc Viện Thông tin Khoa học xã hội) có trữ lượng 4.445 tựa sách (với 30.852 quyển), kế thừa từ Thư viện Viễn Đông Bác cổ.
(TTXVN)- Ngày 26/10, tại Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc tế “Cơ sở dữ liệu kho Trung Quốc cổ: Tiềm năng khai thác giá trị khoa học” nhằm giới thiệu thực trạng Kho Trung Quốc cổ ở nhiều khía cạnh: lưu trữ, bảo quản, xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục, số hóa tài liệu, đánh giá giá trị tư liệu và tiềm năng nghiên cứu, đồng thời hy vọng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế đối với các hoạt động có thể chia sẻ và lan tỏa tri thức, di sản mà thế hệ đi trước để lại.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội cho biết: Cuối thế kỷ XIX, việc nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa của các nước thuộc địa, mà đặc biệt là văn hóa và con người phương Đông đã trở thành nhu cầu bức thiết đối với giới khoa học phương Tây, đặc biệt là Pháp. Ý tưởng thành lập Trung tâm nghiên cứu và chọn Đông Dương đặt trụ sở với nhận định đây là vị trí chiến lược đầy tiềm năng triển khai các nghiên cứu vì khu vực này là vùng văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai nền văn minh là Trung Hoa và Ấn Độ.
Vì vậy, năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ký Nghị định thành lập Phái đoàn Khảo cổ thường trực tại Đông Dương. 2 năm sau, tức năm 1900, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đổi tên Phái đoàn Khảo cổ thành Học viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO).
Đối với Việt Nam, EFEO không chỉ để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về mặt học thuật về khảo cổ học, dân tộc học, sử học, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật kiến trúc, mà còn góp phần đào tạo nên nhiều nhà khoa học người bản xứ có tầm cỡ, đặc biệt là đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của khoa học xã hội Việt Nam nói chung và ngành Hán học Việt Nam nói riêng.
Một trong những di sản tư liệu mà EFEO để lại cho Thư viện khoa học xã hội là Kho tư liệu Trung Quốc cổ với trên 30.000 cuốn sách, là tài liệu cổ quý hiếm chủ yếu được xuất bản từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 19, với các chủ đề như Lịch sử, Địa lý, Ngôn ngữ học, Tôn giáo, Triết học và Văn học. Đáng chú ý là trong Kho Trung Quốc cổ có 416 bản đồ có giá trị lớn về mặt lịch sử và địa lý.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hải Đăng cho rằng, mặc dù được coi là kho tài liệu quý, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa… nhưng trên thực tế, sự lan tỏa và hiệu quả phục vụ công tác nghiên cứu chưa xứng với tầm vóc của nó. Điều đó có nhiều nguyên do như: Bộ cơ sở dữ liệu thư mục phục vụ tra cứu kho sách chưa thực sự hoàn thiện; những nghiên cứu ban đầu còn bỏ ngỏ; ít nhà nghiên cứu có khả năng đọc được chữ Trung Quốc cổ; không nhiều người biết đến sự hiện diện của kho sách này tại Thư viện khoa học xã hội...
Vì vậy, Hội thảo là cơ hội giới thiệu thực trạng Kho Trung Quốc cổ ở nhiều khía cạnh: Lưu trữ, bảo quản, xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục, số hóa tài liệu, đánh giá giá trị tư liệu và tiềm năng nghiên cứu, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác quốc tế đối với các hoạt động nghiên cứu để chia sẻ và lan tỏa tri thức, di sản mà thế hệ đi trước để lại.
Chia sẻ về Kho sách Trung Quốc cổ tại Thư viện khoa học xã hội: Khởi nguyên, ảnh hưởng và sự hình thành Hán học hiện đại ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Nam, Trường Đại học Fulbirght Việt Nam cho rằng, sách là nền tảng và khởi nguồn của khoa học. Khi tìm hiểu về kho sách cổ này, đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện về sách, mà còn là sự cố gắng trong việc phục dựng những bước khởi đầu của Hán học hiện đại ở Việt Nam trên nền tảng học thuật và thư tịch do Trường Viễn Đông Bác cổ kiến lập.
Theo kết quả kiểm kê năm 1997, kho tư liệu quý “sách Trung Quốc cổ” hiện đang lưu giữ tại Thư viện khoa học xã hội (thuộc Viện Thông tin Khoa học xã hội) có trữ lượng 4.445 tựa sách (với 30.852 quyển), kế thừa từ Thư viện Viễn Đông Bác cổ.
Kho tư liệu quý hiếm, nhưng do điều kiện khách quan, cho đến nay vẫn chưa được mở ra cho giới nghiên cứu tham khảo.
Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Khắc Thuận, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ, trong “Kho sách Trung Quốc cổ” tại Thư viện khoa học xã hội có khá nhiều bộ tùng thư từ thời Ngũ Đại thế kỷ X đến niên hiệu Quang Tự (1875-1908) đời Thanh, Trung Quốc, trong đó có bộ là bản in gốc hy hữu được bảo tồn nguyên vẹn tại Thư viện khoa học xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến phục dựng lịch sử hình thành kho sách Trung Hoa của EFEO như là nền tảng tri thức cho việc hình thành Hán học hiện đại ở Việt Nam và khu vực Đông Dương nhằm nêu bật giá trị lịch sử, khoa học của bộ sưu tập thư tịch đặc biệt quý giá này. Trên cơ sở đó, một số đại biểu cũng đề xuất hướng khai thác và sử dụng tích cực kho tư liệu này cho mục đích khoa học quốc gia và toàn cầu./.