An sinh

Mái nhà "Ước vọng xanh" của người khuyết tật

Ninh Bình

Không chỉ giúp người khuyết tật có công việc ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, Hợp tác xã phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh đã trở thành ngôi nhà thứ hai với các hội viên.

Từ năm 2020 đến nay, Hợp tác xã phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã trở thành ngôi nhà thứ hai của người khuyết tật. Nơi đây không chỉ giúp người khuyết tật có việc làm, tạo thu nhập, mà còn giúp những người kém may mắn tìm lại niềm vui trong cuộc sống.

* Đào tạo nghề, bố trí công việc phù hợp

Phụ nữ khuyết tật được đào tạo nghề may miễn phí và tạo công ăn việc làm tại Hợp tác xã Ước vọng xanh. 
Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Hợp tác xã phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh là một tổ hợp đa ngành nghề do một nhóm phụ nữ khuyết tật nhiệt huyết đồng sáng lập vào năm 2020, với mong muốn có một tổ chức sản xuất phù hợp với người khuyết tật và nhóm yếu thế, ngành nghề chính là sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu dùng để tết, bện. Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã đã tập trung phát triển, mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo chuỗi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển sản xuất an toàn cho các thành viên.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Giám đốc Hợp tác xã tâm sự: "Bản thân tôi là người khuyết tật nên thấu hiểu được nỗi khổ tâm của những người cùng cảnh ngộ. Người bình thường tìm việc làm đã khó, đối với những người khuyết tật còn khó khăn hơn nhiều. Vì thế, năm 2020, tôi cùng 6 phụ nữ khuyết tật góp kinh phí chung tay thành lập hợp tác xã với mong muốn giải quyết khó khăn về việc làm, giúp người khuyết tật tự tin trong cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti để hòa nhập cộng đồng".

Hợp tác xã khuyết tật Ước vọng xanh giúp nhiều người khuyết tật có việc làm ổn định. 
Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Thời gian đầu, Hợp tác xã Ước vọng xanh nhận được sự giúp đỡ của Liên minh Hợp tác xã và Hội Phụ nữ tỉnh nên đầu ra sản phẩm được ổn định. Dù đã có những bước đi thành công, song do tác động bởi COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Không nản lòng, nhận thấy thị trường tại Ninh Bình và một số địa phương lân cận có nhu cầu tiêu thụ chổi quét từ cây đót rất rộng, trong khi các cơ sở sản xuất sản phẩm này rất ít, hơn nữa, việc sản xuất chổi cũng phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật, Hợp tác xã quyết định thành lập thêm xưởng sản xuất và phân phối chổi đót, chổi chít. Hợp tác xã đã cử người đi học nghề, mời nghệ nhân về hỗ trợ xưởng. Sau đó, từng thành viên được đào tạo nghề và được bố trí những công việc phù hợp.

Đến nay, Hợp tác xã đã mở rộng ngành nghề kinh doanh với các nghề như làm tăm, làm chổi, may mặc; thu hút được gần 50 hội viên và hàng chục lao động thời vụ với mức lương từ 3-7 triệu đồng/tháng. Hiện nay, sản phẩm của Hợp tác xã đã có thị trường tại huyện Yên Khánh và các huyện khác ở Ninh Bình.

* Tìm lại niềm vui mới trong cuộc sống

Phụ nữ khuyết tật được đào tạo nghề may miễn phí. 
Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Không chỉ giúp người khuyết tật có công việc ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, Hợp tác xã phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh đã trở thành ngôi nhà thứ hai với các hội viên. Tại đây, những người cùng cảnh ngộ có cơ hội được chia sẻ, quan tâm lẫn nhau, giúp nhau vươn lên sống có ích, giảm bớt mặc cảm xã hội và tìm lại được niềm vui sống.

Chị Đinh Thị Làn, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh bị liệt hai chân từ nhỏ. Chị là mẹ đơn thân nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Từ khi trở thành hội viên của hợp tác xã, chị Làn được đào tạo nghề đan chổi, được hợp tạo điều kiện mang vật liệu về nhà làm, từ đó có thêm thu nhập ổn định, giúp chị trang trải cuộc sống.

Chị Đinh Thị Làn chia sẻ: "Bản thân tôi bị teo cả hai chân trong một cơn sốt khi mới 3 tuổi, cuộc sống từ nhỏ đến lớn hầu hết phụ thuộc vào cha, mẹ. Tôi sống khép kín và xa cách với nhịp sống ồn ào của xã hội. Hợp tác xã Ước vọng xanh đã đem đến cho tôi niềm hi vọng, không chỉ là nơi làm việc, có thu nhập, nơi đây còn là mái nhà ấm áp giúp tôi cởi bỏ được mặc cảm, sống khỏe, sống có ích hơn. Thu nhập 1-2 triệu đồng/tháng từ công việc tại hợp tác xã với những người bình thường là không nhiều, nhưng có ý nghĩa rất lớn với tôi".

Còn chị Phạm Thị Nở, huyện Yên Khánh, vốn là người thiếu tự tin vào bản thân, khả năng nhận thức kém, được sự giúp đỡ tận tình của các thành viên trong hợp tác xã, hiện nay chị tự tin, hoạt bát, thành thạo trong công việc, mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.

Chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh có trên 26.000 người khuyết tật. Mặc dù ở các dạng tật khác nhau, nhưng họ đều không muốn trở thành gánh nặng của xã hội. Vì vậy, việc thành lập các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để người khuyết tật được lao động, có thu nhập là hết sức cần thiết, ý nghĩa. 

Với sự phấn đấu và nỗ lực, năm 2022, Hợp tác xã phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh đã vinh dự nhận được khen thưởng của UBND tỉnh Ninh Bình cho tập thể lao động xuất sắc năm 2022, đây vừa là động lực, mục tiêu cho hợp tác xã tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện hơn trong thời gian tới./.

Lê Thị Hải Yến

Tin liên quan

Xem thêm