Xây dựng Đảng

Mãi rực rỡ Thành phố mang tên Bác - Bài 2 : Hội tụ sức mạnh của đoàn kết

TP. Hồ Chí Minh

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định kiều bào là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chúc mừng giáo sư Trần Đông A nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). 
Ảnh: TTXVN phát

Từ thực tiễn ở Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy nơi đây luôn hội tụ, thể hiện rõ nét nhất tinh thần và sức mạnh của đoàn kết. Đó là đoàn kết trong Đảng, trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cùng với đó là nơi thể hiện rõ tinh thần hòa hợp dân tộc.

*Hòa hợp dân tộc

Sau khi đất nước thống nhất, chính sách khoan hồng đầy tính nhân văn của Đảng nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và có tác dụng củng cố, mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc. Đảng và Nhà nước đã luôn đặt nỗ lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc lên hàng đầu, vì đây là một yếu tố quyết định cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định kiều bào là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Sau ngày 30/4/1975, cùng với những kiều bào, có người từng làm việc trong chế độ cũ, đã ở lại để tham gia hoạt động khôi phục, xây dựng thành phố. Như Giáo sư Trần Đông A, một người con sinh ra trong gia đình có truyền thống theo kháng chiến. Năm 11 tuổi, cha của ông đưa ông vào Sài Gòn và cả gia đình ông phải sống trong cảnh chia cắt. Tốt nghiệp y khoa, Trần Đông A buộc phải sung quân và trở thành bác sĩ quân y của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Sau ngày giải phóng, Giáo sư Trần Đông A buộc phải tham gia chương trình cải tạo kéo dài hơn 2 năm, ông vui vẻ chấp nhận. Chỉ 6 tháng sau cải tạo, ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau đó trở thành Phó Giám đốc Bệnh viện. Giai đoạn 1981-1982, ông có cơ hội được bảo lãnh chính thức sang Mỹ định cư nhưng ông từ chối vì “trẻ em Việt Nam cần tôi”. “Với tôi, đó là quyết định lịch sử, đặc biệt quan trọng của cả cuộc đời. Sau đó và tới tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy đó là quyết định đúng đắn. Tôi rất hạnh phúc”, Giáo sư Trần Đông A chia sẻ.

Hay như Tiến sĩ Lương Bạch Vân, dù có 18 năm sinh sống và học tập tại Pháp, nhưng năm 1978 bà quyết định đưa gia đình trở về Việt Nam. Chuyến “bơi ngược dòng” trở về quê hương của bà đã trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Đến bây giờ nhìn lại con đường đi của mình, bà vẫn luôn tự hào đã góp một chút tâm sức nhỏ bé trong “cơ đồ” đất nước hôm nay.

Một vài câu chuyện trong hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện của những người ở lại, những người trở về đóng góp cho quê hương, đất nước là những câu chuyện đầy trân quý. Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều chính sách linh hoạt, môi trường cởi mở để trí thức kiều bào tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách như “Diễn đàn kiều bào góp ý xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”, “Kiều bào chung tay vì biển đảo quê hương”.

Đến nay, có khoảng 500 chuyên gia, trí thức người Việt đã về làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố thường xuyên kết nối, mời các trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia hội thảo, các dự án tư vấn chiến lược, như Tiến sĩ Đặng Lương Mô, Giáo sư Hà Tôn Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên. Nhiều trí thức cũng là doanh nhân, mang công nghệ mới về đầu tư, kinh doanh như Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, Giáo sư - Bác sĩ Phan Toàn Thắng…

Ghi nhận của Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện Thành phố là địa phương có mối liên hệ trực tiếp với hơn 2,8 triệu người Việt Nam ở nước ngoài – chiếm gần 50% tổng số kiều bào trên toàn thế giới. Lượng kiều hối về Thành phố tăng kỷ lục qua các năm và chiếm 55% của cả nước (năm 2024 đạt 9,4 tỷ USD, tăng 140 triệu USD so với 2023). Điều này thể hiện vai trò trung tâm của Thành phố trong việc kết nối cộng đồng người Việt toàn cầu và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

* Thành phố nghĩa tình

Cùng với phát triển kinh tế, truyền thống nhân ái, nghĩa tình là một đặc trưng văn hóa dân tộc được kế thừa và phát triển ngày càng sâu đậm và phổ biến trong nhận thức, quan hệ ứng xử của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố phát động rất sớm phong trào đền ơn đáp nghĩa, khởi xướng chương trình “Xóa đói giảm nghèo”, hình thành cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ HIV/AIDS. Đây cũng là nơi đầu tiên trong cả nước hình thành mô hình “Bệnh viện miễn phí” cho người nghèo, khó khăn…

Thời gian qua, Thành phố đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; chăm lo xây dựng phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam; không ngừng vun đắp truyền thống đoàn kết, nghĩa tình trong cộng đồng xã hội.

Thành phố đặc biệt chú trọng phát triển xã hội bền vững với các chính sách an sinh xã hội, bảo trợ cho các nhóm yếu thế. Các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, các chương trình đào tạo nghề cho người nghèo, quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn đã phần nào làm giảm bớt những khó khăn mà người dân phải đối mặt. Đây là một phần không thể thiếu trong tinh thần đoàn kết của thành phố, nơi mà mọi người đều có cơ hội để vươn lên trong xã hội.

Trong giai đoạn COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất cả nước. Sự khốc liệt của đại dịch đã làm mất đi trên 20 ngàn người; tác động tiêu cực kinh tế, điều chưa từng có và chưa thể hình dung. Đau thương, mất mát nhưng nhiều giá trị tốt đẹp được nhân lên, đặc biệt là tinh thần làm việc xả thân để cứu lấy sinh mệnh đồng bào của các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, là cách ứng xử đầy tình thương của hàng triệu con người qua những việc làm thiện nguyện…

Tinh thần đoàn kết thể hiện rõ nét, khi Thành phố Hồ Chí Minh là khởi nguồn của những mô hình như ATM gạo, ATM lương thực thực phẩm, ATM thuốc... Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân Thành phố đã tham gia vào cuộc chiến phòng, chống dịch, tạo nên sức mạnh tổng hợp, là nguồn lực vô tận, góp phần khống chế dịch bệnh, đưa sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân sang trạng thái “bình thường mới”.

Với niềm vinh dự và tự hào được mang tên Bác, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn hiện hữu, lan tỏa trong đời sống xã hội, trở thành nét văn hóa đặc trưng mới của người dân Thành phố. Bước đầu, Thành phố đã có trên 5.000 thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nên nhiều những thay đổi tích cực trong các cơ quan, đơn vị, trường học và các tầng lớp nhân dân.

Trải qua 50 năm, Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát triển, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội. Điểm đặc biệt khiến Thành phố này luôn giữ được sức sống mãnh liệt chính là tình nghĩa sâu sắc giữa những người dân nơi đây. Thành phố là nơi hội tụ của các cộng đồng dân cư từ mọi miền đất nước, tạo thành một xã hội đa dạng và phong phú về văn hóa, nhưng điều này không làm giảm đi tình đoàn kết mà ngược lại, còn khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn. Tinh thần đoàn kết dân tộc, hòa hợp các nhóm cộng đồng là một trong những giá trị quan trọng làm nên đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Rất nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn cũng đã hình thành từ Thành phố này như: Trái tim tình nghĩa, Tấm vé nghĩa tình cho công nhân xa quê, Mái ấm tình thương; Chiến dịch Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Tiếp sức người lao động, Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ, Vì nụ cười trẻ thơ...

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang, nguyên Phó Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: “Nghĩa tình là một giá trị văn hóa đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh”. Sở dĩ có khẳng định này là vì Thành phố là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo. Từ đấy, “giảm nghèo bền vững” trở thành tiêu chí phấn đấu nhằm nâng cao đời sống nhân dân của cả hệ thống chính trị.

Với nền tảng phát triển vững chắc và tinh thần sáng tạo, nghĩa tình hòa quyệt chặt chẽ với nhau và được bồi đắp thường xuyên, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành mảnh đất hội tụ nhiều giá trị lớn với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tinh thần vì cộng đồng ngày càng lan tỏa rộng rãi./.

Bài 3: Tiên phong hội nhập quốc tế

Anh Tuấn - Tiến Lực

Tin liên quan

Xem thêm