Thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng phát triển dựa trên khoa học công nghệ. Nhiều mô hình như Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung… được hình thành từ chủ trương này, đã thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ thế giới.
Thành phố Hồ Chí Minh được xem là cái nôi, có sức hút đặc biệt đối với nhiều giới, trong đó có giới khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Với tư duy đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ từ truyền thống đến những nền tảng thuận lợi hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong việc phát triển khoa học công nghệ, có nguồn nhân lực chất lượng cao.
*Phát triển các mô hình công nghệ cao
Ngay từ khi hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng phát triển dựa trên khoa học công nghệ. Nhiều mô hình như Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung… được hình thành từ chủ trương này, đã thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ thế giới.
Nổi bật là Khu Công nghệ cao Thành phố, nơi thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực trong nước về công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao. Một trong những dấu ấn lớn của Khu là việc Tập đoàn Intel đầu tư 1 tỷ USD để mở nhà máy năm 2006, gây tiếng vang rất lớn trong khu vực thời điểm đó.
Sự hiện diện của Intel góp phần khẳng định niềm tin, tiềm năng và sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế. Đến nay, Khu có 160 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 12,32 tỷ USD, trong đó vốn FDI 10,31 tỷ USD. Hiện Khu Công nghệ cao đã trở thành thương hiệu quốc tế, hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới đầu tư tại đây như: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)...
Không chỉ phát triển công nghiệp, năm 2004, Thành phố cũng thành lập Khu Nông nghiệp công nghệ cao (diện tích 88 ha tại Củ Chi) và Trung tâm Công nghệ sinh học (23 ha tại Quận 12) với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Năm 2013, Thành phố đưa vào hoạt động Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (10 ha tại Bình Chánh).
Sau 20 năm, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đạt nhiều thành tựu, nổi bật là công tác sưu tập, bảo tồn và khảo nghiệm giống. Khu đã bảo tồn khoảng 500 nguồn giống cây trồng đa dạng (hoa lan, cây kiểng, hoa nền, cây dược liệu), cùng với các giống vi sinh vật, nấm và thủy sản. Các giống mới được chọn lọc và lai tạo có năng suất vượt trội, cao hơn trung bình 15-20% so với các giống trên thị trường.
Đặc biệt, Khu nông nghiệp công nghệ cao đã làm chủ công nghệ sản xuất hạt giống lai F1 và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho nhiều giống cây trồng như dưa lưới CNC01, dưa leo CNC04, ớt CNC02, lan Dendrobium D. CNC01 và D.CNC02… Giống dưa lưới AHRD201 đã được Cục trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, với năng suất trung bình 3-3,2 tấn/1.000m2, cao hơn 17-25% so với đối ứng.
Thời gian qua, nhất là giai đoạn 2020 - 2025, khoa học và công nghệ đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố, nâng cao đời sống nhân dân và tạo nên những bước tiến vượt bậc trong nhiều lĩnh vực. Nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số cũng được triển khai, giúp tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP năm 2023 là 21,5%, tăng 8,9% so với năm 2020.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang định hướng xây dựng Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu sẽ là đầu tàu, vừa thúc đẩy các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), bản đồ số (GIS), sản xuất chip bán dẫn, vừa là hạt nhân của hệ sinh thái công nghệ cao toàn Thành phố. Trung tâm này sẽ là một phần trong mô hình “1 trung tâm - 4 cao - 1 chiến lược” mà Thành phố đang hướng đến. Trong đó, Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu là một trong “4 cao”, cùng với Khu công nghiệp công nghệ cao, Giáo dục chất lượng cao, Y tế chất lượng cao.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, mô hình trung tâm là hệ sinh thái mở, tích hợp các khu chức năng như R&D, trung tâm đào tạo, vườn ươm khởi nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ công nghệ và khu sinh sống, làm việc hiện đại cho giới chuyên gia. Cấu trúc này giúp thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, hỗ trợ quá trình chuyển giao tri thức và công nghệ từ viện trường ra thị trường. “Đây cũng là yếu tố cốt lõi để hình thành các cụm ngành công nghệ cao, đồng thời tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm những hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ tại Đông Nam Á”, ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.
* Phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo
Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chính sách trong lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện, bám sát nhu cầu thực tế. Giá trị startup (khởi nghiệp sáng tạo) đạt 5,6 tỷ USD, góp phần khẳng định vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo phía Nam.
Giai đoạn 2020 - 2023, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Gần đây, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo cơ sở vững chắc để Thành phố triển khai các đề án lớn, xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện.
Thành phố đã khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (C4IR) hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố có nguồn lực mạnh mẽ với gần 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 50% số lượng cả nước; hơn 500 sự kiện khởi nghiệp và gần 80 cuộc thi khởi nghiệp mỗi năm; hút hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm… Hiện thành phố có 97 trường đại học và cao đẳng, 53 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, 134 phòng thí nghiệm, 483 tổ chức khoa học và công nghệ.
Có thể thấy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Thành phố ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến Top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu (hiện xếp hạng 114 trong bảng xếp hạng do Startup Blink công bố).
Tập thể chính trị Thành phố đã kiên trì nhiều năm là lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm kim chỉ nam, là động lực chính để phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian qua vẫn còn những điểm nghẽn khiến thành phố chưa thật sự bức phá theo kịp yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố.
Vừa qua, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ra đời là cơ hội, tạo luồng gió khí thế mới để Thành phố Hồ Chí Minh đột phá hơn nữa trong giai đoạn bước vào kỷ nguyên số.
Thành phố đang phấn đấu đạt các chỉ tiêu trọng tâm, đột phá: Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GRDP; kinh tế số góp 25% năm 2025, 40% trong GRDP năm 2030 và 50% GRDP vào năm 2045. Hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tập hợp được tối thiểu 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ít nhất 5 Trung tâm CoE, 5 - 10 doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam, tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đạt 8 - 10%...
Để đạt mục tiêu này, nhiều chuyên gia kiến nghị đẩy mạnh chính sách hợp tác công – tư; thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo; miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm công nghệ, mô hình mới… Thành phố tăng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, tập hợp các tập đoàn lớn công nghệ, triển khai hợp tác ngày để phát triển hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng 5G, hạ tầng IoT, camera, internet tốc độ cao.
Thành phố thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, xây dựng, triển khai các đề án thí điểm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, góp phần hình thành doanh nghiệp công nghệ số lớn, đủ năng lực cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn tập trung phát triển công nghệ số nền tảng, đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi.
Dự kiến tháng 5/2025, Thành phố sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Đây là trung tâm có chức năng tập hợp và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố, là đầu mối hợp tác trong và ngoài nước về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với các tổ chức, tập đoàn công nghệ trong nước, quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công.
Những chính sách, những hạ tầng được đầu tư về khoa học công nghệ thời gian qua của Thành phố sẽ là cơ sở thành phố phát triển nhanh, bền vững, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với chuyển đổi số làm nền tảng./.
Bài 5: “Tâm và thế” mới trong sứ mệnh phát triển cùng đất nước