Thời sự

Mở rộng nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội  

Quảng Ninh

Trong 3 năm (2020 - 2022), tổng chi an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với trước đó.

TTXVN - Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã chi khoảng 1.037 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.

Nguồn ngân sách nhà nước chi cho an sinh, phúc lợi xã hội tập trung vào các chính sách hỗ trợ việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, toàn tỉnh có hơn 40.000 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Từ ngày 1/1/2023, tỉnh đã nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người sinh sống tại cộng đồng lên 500 nghìn đồng/tháng, cao gấp 1,3 lần so với mức chuẩn của Trung ương (360 nghìn đồng/tháng).

Quảng Ninh mở rộng thêm một số nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như: Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; người cao tuổi không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo; người từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo các chính sách khác khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng.

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh với tiêu chí thu nhập khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng; khu vực nông thôn 2,1 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức chuẩn nghèo đa chiều cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập, để từ đó mở rộng thêm các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chính sách hỗ trợ tốt hơn.

Quảng Ninh còn nhiều chính sách riêng nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tiêu biểu như việc hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí văn hóa cho học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở học tiếp lên trình độ Trung cấp, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 310 của HĐND tỉnh.

Từ nguồn tiết kiệm chi, năm học 2023-2024, tỉnh dành nguồn lực xây mới, sửa chữa các trường lớp học, với mục tiêu: Mỗi huyện có ít nhất một trường công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có mỗi trường Trung học Phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao (chuẩn mức độ 2 trở lên). Hiện, tỉnh tiếp tục triển khai xây mới và sửa chữa nhiều trường học, đặc biệt ưu tiên cho các khu vực vùng cao, miền núi, hải đảo.

Trong 3 năm (2020 - 2022), tổng chi an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với trước đó./.

PV

Xem thêm