Tỉnh Tuyên Quang chú trọng triển khai các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP, hoạt động giao thương, hợp tác giữa các địa phương được đẩy mạnh.
TTXVN - Tỉnh Tuyên Quang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của địa phương. Trong đó, việc tổ chức các hội chợ triển lãm, mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Các sản phẩm, đặc biệt là nông sản ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn, trải nghiệm.
Theo ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang hiện có 191 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Tuyên Quang còn nhiều hạn chế. Việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hoá của tỉnh, nhất là hàng hoá tại khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến, thương mại nhằm giới thiệu những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội có tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến kích phát triển công nghiệp - thương mại tỉnh Tuyên Quang; Tăng cường quảng bá các sản phẩm là thế mạnh, đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; mở rộng giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế; học tập, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực xúc tiến thương mại với các tỉnh bạn từ đó có biện pháp áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn.
Theo đó, Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức và tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, kết nối cung cầu tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó, tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm hàng hóa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang; các dự án đầu tư, cơ hội, tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.
Ông Lộc Kim Liễn cho biết, tỉnh Tuyên Quang chú trọng triển khai các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP. Qua việc tổ chức hội chợ, triển lãm, hoạt động giao thương, hợp tác giữa các địa phương được đẩy mạnh. Đây là kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng của các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và sản phẩm đạt chuẩn OCCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Thông qua các hội chợ, triển làm xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, có điều kiện tiếp cận với người tiêu dùng, đối tác, nhà phân phối, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; thiết lập kênh phân phối tại những thị trường tiềm năng; phát triển sản phẩm chéo giữa các địa phương.
Chè San tuyết Hồng Thái là một trong những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang đạt OCOP 4 sao đang được giới thiệu và trưng bày tại Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023. Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, Tuyên Quang cho biết, hiện nay, 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao của hợp tác xã là Chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá và Chè Shan tuyết Lộc Trà.
Thời gian qua, các cấp ngành, tỉnh Tuyên Quang luôn đồng hành, hỗ trợ Hợp tác xã trong việc xúc tiến, quảng bá thương mại nên sản phẩm Chè Shan tuyết đã và đang ngày càng tạo được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Gần đây, do nhu cầu khách hàng ngày một tăng. Hợp tác xã cũng đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nâng hạng lên OCOP 5 sao.
Ông Đặng Ngọc Phố cũng cho biết thêm, trong khuôn khổ Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023, Hợp tác xã Sơn Trà đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với Liên minh xúc tiến ACTONE Global để đưa sản phẩm Chè Shan tuyết Hồng Thái sang tiêu thụ tại thị trường Singapore.
Một trong những sự hợp tác được thực hiện từ một hội nghị kết nối cung cầu, trong khuôn khổ Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023 là ký kết kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh, Tuyên Quang với Công ty trách nhiệm hữa hạn Thảo Hương và Công ty trách nhiệm hữa hạn sản xuất thương mại Tiến Anh, tỉnh An Giang. Ông Trần Lê Hùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữa hạn sản xuất và thương mại Tiến Anh, tỉnh An Giang cho biết, Tuyên Quang có rất nhiều các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP, đặc biệt có những sản phẩm dễ dàng vận chuyển, thời hạn sử dụng lâu. Nhận thấy sự phù hợp, đơn vị đã ký hợp đồng phân phối, tiêu thụ một số sản phẩm tại thị trường tỉnh An Giang và một số tỉnh thành phía Nam. Ngược lại, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh sẽ phân phối, tiêu thụ một số sản phẩm OCOP của đơn vị tại tỉnh Tuyên Quang.
Trong thời gian tới, để có những kết quả rõ rệt hơn trong việc tiêu thu các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương, ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh, tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đưa các sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shopee, Sendo, Lazada, Postmart, Voso,…
Tuyên Quang cũng khuyến khích chủ thể mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để tạo niềm tin với người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp không sản xuất hoặc sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn...
Ông Lộc Kim Liễn nhấn mạnh các hợp tác xã, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng cần chủ động đổi mới mô hình, cách thức tổ chức sản xuất theo các hĩnh thức chuỗi giá trị, liên kết, đồng bộ, hiện đại; nêu cao tinh thần hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hợp tác xã, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh để đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường; Tập trung khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, tranh thủ những cơ hội có được từ hội chợ để rà soát, tái cơ cấu ngành nghề, sản phẩm phù hợp...