Xã hội

Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau

Quảng Ninh

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng. Tình trạng mua bán người trong nội địa và nạn nhân của tội phạm mua bán người là nam giới có xu hướng tăng mạnh.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

TTXVN - Chiều 28/7, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” với chủ đề “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người.

Phát biểu tại Lễ phát động, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông tin, mua bán người là vấn nạn mang tính toàn cầu. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, mặc dù số lượng nạn nhân bị mua bán được phát hiện trên toàn cầu giảm xuống, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cơ cấu nạn nhân đang có sự thay đổi.

Nếu năm 2004, tỷ lệ nạn nhân là nam giới và trẻ em trai chỉ là 13% và 3%, đến năm 2020, 23% nạn nhân bị mua bán là nam giới và 17% là trẻ em trai. Tỷ lệ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái giảm đi nhưng nạn nhân là phụ nữ bị bạo lực thể chất gấp 3 nạn nhân nam giới, trẻ em bị bạo lực gấp đôi người lớn.

Tại Việt Nam, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội hiện nay, tội phạm mua bán người thông qua mạng xã hội, các tài khoản ảo, qua SIM điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có.... Sau đó, các đối tượng tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp... Những hành vi này xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, gây nên những bất ổn trong xã hội, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình.

Theo thống kê của Bộ Công an, tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng. Trong đó, tình trạng mua bán người trong nội địa và nạn nhân của tội phạm mua bán người là nam giới có xu hướng tăng mạnh.

Giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, mua bán người trong nội địa chiếm 15%, nạn nhân là nam giới chiếm 10%; giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2022, mua bán người trong nội địa chiếm 34%, nạn nhân là nam giới chiếm 27%. Tuy nhiên, tính riêng trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, mua bán người trong nội địa và nạn nhân là nam giới chiếm trên 40%.

Các đại biểu tham dự Lễ phát động hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 65 nạn nhân, tăng 16 nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ so với cùng kỳ năm 2022.

Để nâng cao hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, cần tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đề ra và chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm 2023 để hành động, quyết tâm triển khai thực hiện.

Các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần tiếp tục xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương. Các cấp, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư.

Đồng thời, các cơ quan chức năng, các địa phương chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức giáo dục pháp luật và tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán và hướng đến đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị mua bán.

Cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người. Kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được khai thác hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc (từ ngày 1/7/2023 đến 30/9/2023), cùng nhiều các giải pháp đồng bộ khác để đẩy lùi nạn mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị buôn bán người để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tại đây, các đại biểu đã cùng ấn nút hưởng ứng phát động Chung tay phòng, chống mua bán người và hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7./.

Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm