Nam Định yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát dân cư sinh sống, hoạt động tại bãi sông; chủ động di dân vùng nguy hiểm, vùng sạt lở, vùng bãi, bối không đảm bảo tuyệt đối an toàn vào nơi an toàn, nhất là các khu vực vùng nguy hiểm.
Chiều 10/9, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống ngập úng do mưa lớn trên địa bàn xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định.
Sau khi nghe địa phương báo cáo thực tế tình hình mưa lũ trên trên địa bàn, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định chỉ đạo, UBND xã Mỹ Tân cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu những nguy hiểm của thiên tai để người dân sống ngoài đê chủ động di chuyển đến nơi an toàn khi mực nước sông dâng cao; chuẩn bị kỹ các phương án di dân ngoài đê vào nơi an toàn, bố trí lực lượng trực 24/24 khi nước sông dâng lên theo từng cấp độ sẽ chủ động sơ tán dân, trước mắt địa phương cần sơ tán người già, trẻ nhỏ, người yếu thế vào khu vực trong đê trước 18 giờ.
Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định lưu ý địa phương cần chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cấp phát cho người dân tại các địa điểm sơ tán, để người dân yên tâm cư trú, chủ động lực lượng, phương tiện triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống ngập, úng theo phương châm 4 tại chỗ với mục tiêu cao nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân Nguyễn Hữu Lệ, trên địa bàn có 1.790 hộ với gần 6.000 nhân khẩu thuộc diện phải di dời trong đợt 1; trong đó, có 713 trẻ em dưới 14 tuổi, 938 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên. Xã đã bố trí các trường học, trạm y tế, nhà văn hoá là địa điểm để người dân đến tránh trú, ngoài ra địa phương cũng sẽ bảo đảm cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước uống và các điều kiện sinh hoạt cần thiết cũng như đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong thời gian phải sơ tán.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, trong đêm ngày 9 và rạng sáng ngày 10/9 do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kéo dài với lượng mưa đo được khoảng 270mm; dự báo trong một vài ngày tới, trên địa bàn tỉnh còn có mưa lớn với lượng mưa khoảng 200-270mm. Mưa lớn kéo dài cùng với các hồ thủy điện xả lũ đã làm mực nước trên các sông dâng cao.
Tại huyện Ý Yên, nước lũ trên sông Đáy dâng cao đã có hiện tượng thẩm lậu đê tại xã Yên Bằng, địa phương đã huy động lực lượng, vật tư tại chỗ xử lý xong giờ đầu. Tại huyện Nam Trực, lũ trên các sông Hồng, sông Đào dâng cao, huyện đã thực hiện di dời 100 người dân đang sinh sống tại các bối vào điểm trú ẩn an toàn. Còn tại thành phố Nam Định, ngay trong đêm ngày 9/9 đã thực hiện di dời các hộ dân sinh sống trên các tầng 2, 3 khu nhà ở nguy hiểm trên đường Hoàng Văn Thụ về nơi an toàn.
Để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản, tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát dân cư sinh sống, hoạt động tại bãi sông; chủ động di dân vùng nguy hiểm, vùng sạt lở, vùng bãi, bối không đảm bảo tuyệt đối an toàn vào nơi an toàn, nhất là các khu vực vùng nguy hiểm như: bối Phương Định, thuộc huyện Trực Ninh; bối Yên Bằng, Yên Trị thuộc huyện Ý Yên; bối Hồng Long tại xã Mỹ Tân, thuộc thành phố Nam Định; bối Nam Thắng, An Tùy thuộc huyện Nam Trực.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm “4 tại chỗ" khi có tình huống xảy ra; tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều; huy động phương tiện, vật tư tiêu úng cứu lúa, cây hoa màu./.