Sức khỏe

Tuyên truyền, vệ sinh môi trường triệt để phòng, chống dịch bệnh

Đắk Lắk

Lực lượng Y tế tỉnh Đắk Lắk thường xuyên phối hợp đội ngũ cộng tác viên cơ sở rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền người dân biện pháp phòng bệnh lây lan, đặc biệt vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy).

Trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đã gây ra hiện tượng quá tải. Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột đã điều động thêm 24 giường bệnh để phục vụ nhu cầu người dân.
Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Dung - TTXVN

Tỉnh Đắk Lắk đang đối mặt với bệnh truyền nhiễm gia tăng. Do đó, cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, vệ sinh môi trường triệt để phòng, chống dịch bệnh.

*Gia tăng ca mắc bệnh truyền nhiễm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm tới ngày 8/9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.977 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố (một ca tử vong), 606 ca tay chân miệng, 98 ca sởi, 27 ca ho gà. Tình hình dịch bệnh gia tăng nhanh, đặc biệt từ thời điểm tháng 7 đến nay.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, thời gian gần đây, bệnh nhi đến khám và điều trị sốt xuất huyết tăng cao gây ra tình trạng quá tải.

Trường hợp của hai chị em gái (sinh năm 2010 và 2017), tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk nhập Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột do sốt xuất huyết ngày thứ ba trong tình trạng sốt cao, nôn ói. 
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Hai chị em gái (sinh năm 2010 và 2017 tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn ói. Chị Trần Thị Sương (mẹ 2 bệnh nhi) cho biết, khi thấy hai con sốt cao liên tục, nôn ói… gia đình cho cháu đến phòng khám tư và được chẩn đoán viêm họng, uống thuốc nhưng không đỡ. Đến ngày thứ ba, các con vẫn sốt cao không hạ, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, được chẩn đoán sốt xuất huyết và được nhập viện theo dõi. “Gần nhà cũng có trường hợp bị sốt xuất huyết. Các cháu lên chơi về hai hôm sau là bị bệnh", chị Sương thông tin.

Bác sỹ Cao Hoàng Phong, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, tình hình sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay tăng cao, nhất là tháng 7 và tháng 8. Số bệnh nhân đến khám, điều trị tại phòng khám của Bệnh viện là hơn 410 bệnh nhân, nhiều ca nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết nặng, chảy máu… Trẻ nhập viện do sốt xuất huyết đã gây quá tải tại Khoa Nhi, nhất là về mặt giường bệnh (Khoa có 71 giường bệnh, đến mùa dịch đã điều động thành 95 giường).

Có thời điểm Khoa không đáp ứng đủ, kịp, phải kê thêm giường dọc hành lang, gây hạn chế đường đi, lối đi, sinh hoạt chật hẹp… Bên cạnh đó, bệnh nhân đông, nhân viên y tế tại Khoa có lúc không đáp ứng đủ. Để khắc phục, Ban Giám đốc Bệnh viện đã điều chuyển nhân sự từ các khoa khác xuống cùng tham gia và điều trị. Hiện tại, Khoa đáp ứng đủ nhân lực, vật lực, cơ số thuốc để chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết đoạn hiện nay, bác sỹ Phong thông tin.

Khoa Hồi sức - Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) đang tiếp nhận các bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết nặng.

Theo bác sỹ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, những ca bệnh vào Khoa chủ yếu là nặng, cấp cứu, nguy kịch. Năm nay, tại Khoa tiếp nhận 4 ca viêm não, trong đó, có 2 ca viêm não Nhật Bản B. Đối với các ca sốt xuất huyết, so với mặt bằng, tỷ lệ bị sốc, tái sốc tăng.

Bác sỹ Hoàng Ngọc Anh Tuấn thông tin thêm, các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt viêm não Nhật Bản lây lan do vật nuôi. Do đó, các gia đình cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, đưa chuồng gia súc tách xa nơi ở. Với các trẻ bị bệnh viêm não Nhật Bản ở giai đoạn đầu biểu hiện như bệnh viêm hô hấp trên nên thường không phát hiện được. Khi bệnh tiến triển, trẻ có biểu hiện sốt cao, co giật… Ngay khi phát hiện, phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế nhanh nhất để được điều trị sớm.

*Tăng cường vệ sinh môi trường

Lực lượng Y tế Đắk Lắk phối hợp với đội ngũ cộng tác viên cơ sở rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền người dân các biện pháp phòng bệnh lây lan. 
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, giám sát, xử lý ổ dịch. Lực lượng Y tế thường xuyên phối hợp đội ngũ cộng tác viên cơ sở rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền người dân biện pháp phòng bệnh lây lan, đặc biệt vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy).

Từ đầu năm 2024 đến ngày 8/9, Buôn Ma Thuột ghi nhận 1.087 trường hợp mắc sốt xuất huyết, là địa phương có số ca mắc cao nhất tỉnh Đắk Lắk, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, các phường Tân Hòa, Tân Lập và Tân Thành có số ca mắc cao nhất.

Bà Chu Thị Liễu, quyền Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Hòa cho biết, phường có đặc thù gần chợ đầu mối, người dân các nơi đổ về khá đông nên nguy cơ cao lây lan dịch bệnh. Vừa qua, số ca sốt xuất huyết gia tăng, tập trung ở tổ dân phố 1, 2. Ngay khi ghi nhận các ca bệnh, cán bộ Trạm Y tế phối hợp cộng tác viên các tổ dân phố giám sát, điều tra, tuyên truyền cho bà con vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy). Duy trì hằng tuần, Trạm Y tế vệ sinh môi trường, đồng thời, hướng dẫn cộng tác viên y tế chủ động tuyên truyền đến bà con. Khi có tình huống xảy ra, các cộng tác viên báo cáo ngay Trạm Y tế, chính quyền địa phương có hướng xử lý kịp thời.

Qua tuyên truyền trực tiếp và trên hệ thống loa truyền thanh, người dân nhận thức được tầm quan trọng phòng, chống dịch bệnh và phối hợp tương đối tốt. Hy vọng rằng, với mật độ tăng cường tuyên truyền, xử lý vệ sinh môi trường triệt để, số ca sốt xuất huyết sẽ giảm dần, bà Chu Thị Liễu thông tin.

Ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản đều do muỗi truyền bệnh gây ra rất nguy hiểm. Tại các vùng nước đọng, lọ hoa, lốp xe, chậu cảnh… nếu không xử lý tốt gây muỗi sinh sôi truyền bệnh. Đối với viêm não Nhật Bản, nếu không chữa kịp thời, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, ý thức người dân rất quan trọng. Người dân cần vệ sinh môi trường, thực hiện phòng, chống muỗi đốt, khi đó sẽ phòng được các bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản.

Năm 2023, tại tỉnh Đắk Lắk xảy ra tình trạng thiếu vaccine. Cùng với đó, nhiều người dân không hưởng ứng việc tiêm chủng đã tạo ra khoảng trống miễn dịch. Do đó, cần tuyên truyền để người dân hưởng ứng cùng ngành Y tế. Nếu không tiêm phòng vaccine rất khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt các bệnh liên quan vaccine, ông Hoàng Hải Phúc thông tin./.

Nguyễn Thị Thùy Dung

Tin liên quan

Xem thêm