Thời gian tới, nếu các địa phương không tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hiện tiêm bổ sung, tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine bị thiếu trong giai đoạn trước thì nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát.
TTXVN - Thời gian qua, do thiếu vaccine nên tỷ lệ tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt rất thấp, dẫn đến tỷ lệ bao phủ các loại vaccine ở mức thấp, không bảo đảm miễn dịch cộng đồng, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Năm 2024, thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư) có hàng chục trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đăng ký các mũi vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, do vaccine được cung ứng không đầy đủ nên có những trẻ đến lịch tiêm lại buộc phải hoãn. Cụ thể, tháng 2/2024, thiếu vaccine DPT (3 trong 1) đối với mũi nhắc lại cho trẻ dưới 18 tháng tuổi, tháng 3/2024 thiếu vaccine IPV (bại liệt tiêm bổ sung)... Bà Đàm Thúy Chinh, cán bộ Trạm Y tế thị trấn Thiên Tôn cho biết, tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ khiến cho tỷ lệ bao phủ các loại vaccine ở mức thấp, không đảm bảo miễn dịch cộng đồng và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh mà còn khiến công tác tuyên truyền cho người dân và các bậc phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng gặp khó khăn.
Thực tế hiện nay, một số loại dịch bệnh có vaccine dự phòng đã xuất hiện ở một vài tỉnh, thành phố; đặc biệt là khu vực miền Bắc. Đầu năm 2024, trên địa bàn Ninh Bình xuất hiện các trường hợp mắc ho gà sau hơn 3 năm liên tục không có ca mắc. Cùng với đó, các trường hợp sốt, phát ban nghi sởi/rubella cũng được ghi nhận rải rác.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, năm 2023, hầu hết các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều bị gián đoán cung ứng, đặc biệt là hai loại vaccine: DPT-VGB-Hib (5 trong 1) và DPT bị gián đoạn trong một thời gian dài. Từ tháng 9/2023, vaccine sởi đơn cho trẻ từ 9 tháng tuổi ngừng cung ứng. Đồng thời, việc gián đoạn cung ứng vaccine viêm gan B khiến tỷ lệ tiêm chủng vaccine này trong vòng 24 giờ sau khi sinh đạt rất thấp. Đến giữa tháng 10/2023, hầu hết các bệnh viện và cơ sở có sinh trên địa bàn tỉnh hết vaccine viêm gan B để thực hiện tiêm chủng cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ. Từ tháng 11 - 12/2023, các vaccine bại liệt, sởi - rubella, uốn ván tiêm cho phụ nữ có thai trên địa bàn tỉnh cũng không còn để triển khai tiêm chủng cho các đối tượng.
Do hầu hết các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều bị gián đoạn cung ứng khiến tỷ lệ tiêm chủng đa số các vaccine trên địa bàn không đạt tiến độ và mục tiêu kế hoạch; đặc biệt là hai loại vaccine 5 trong 1 và 3 trong 1. Theo đó, tỷ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 đạt 70% và 3 trong 1 chỉ đạt 45,7% (tỷ lệ này đã bao gồm số liệu trẻ được tiêm chủng các vaccine dịch vụ); tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi chỉ đạt 82,5%.
Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong những tháng đầu năm 2024. Thời gian tới, nếu các địa phương không tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hiện tiêm bổ sung, tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine bị thiếu trong giai đoạn trước thì nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát; nhất là các bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh (như sởi, bạch hầu, rubella, ho gà, viêm não Nhật Bản…). Đối với các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, có ổ bệnh cũ lưu hành, nguy cơ này càng hiện hữu.
Sớm khắc phục tình trạng thiếu vaccine
Quý I năm 2024, Ninh Bình tiếp nhận 2 đợt vaccine từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với 9/10 loại vaccine (trừ vaccine IPV phòng bệnh bại liệt) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phân bổ cho các đơn vị triển khai tiêm chủng từ tháng 1 - 4/2024. Tuy nhiên, số lượng vaccine chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong đó, tháng 2/2024, ngoài vaccine IPV, Ninh Bình không còn vaccine phòng lao, DPT để phân bổ cho các đơn vị. Các loại vaccine khác chỉ đáp ứng được từ 25 - 80% nhu cầu thực tế. Riêng vaccine SII (vaccine 5 trong 1), tỉnh đã tiếp nhận 5.600 liều, đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng trong tháng 1 - 2 và 50% nhu cầu trong tháng 3/2024.
Thiếu 2 loại vaccine DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi và vaccine DPT cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên khiến tỷ lệ tiêm chủng hai loại vaccine trên địa bàn tỉnh Ninh Bình rất thấp. Ảnh: Hải Yến – TTXVNTừ đầu năm 2024, ngay khi nhận được vaccine từ Trung ương phân bổ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn đảm bảo an toàn, đúng quy định. Trung tâm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế, đặc biệt là các trạm y tế xã, phường, thị trấn tích cực rà soát, triển khai tiêm chủng, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng thiếu mũi vaccine năm 2023 theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế. Kết quả sau 2 tháng triển khai, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm được 4.461 mũi tiêm với 9 loại vaccine.
Trước tình trạng thiếu một số vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023 của Chính phủ về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 5/2/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng. Theo đó, bảo đảm hoạt động cung ứng vaccine năm 2024 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay cũng như theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình khuyến cáo, để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm hiệu quả trong bối cảnh gián đoạn cung ứng vaccine thời gian này, đặc biệt với những đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người dân cần theo dõi thông tin về tình hình cung ứng vaccine trong tiêm chủng mở rộng, lịch tiêm chủng của trẻ để chủ động đưa các em đi tiêm chủng phòng bệnh; tùy theo điều kiện và nhu cầu của gia đình để cân nhắc lựa chọn hình thức tiêm chủng phù hợp đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ, đúng lịch. Đồng thời, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ như: tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, những người nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, học tập, sinh hoạt; tăng cường dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe tốt nhất; chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời…/.