Năm 2023, Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 1- 8/8 với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc.
TTXVN - Lễ hội Cầu ngư năm 2023 diễn ra từ ngày 1- 8/8 với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc, hứa hẹn là sự kiện thu hút khách du lịch đến thành phố Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Sau gần 15 năm tổ chức với quy mô cấp thành phố, năm nay Lễ hội được UBND thành phố Phan Thiết tổ chức với quy mô lớn, hoành tráng và nhiều hoạt động đặc sắc hơn.
Phần lễ sẽ diễn từ ngày 6 - 8/8 với các nghi lễ truyền thống như: Lễ rước Lệnh Ông Sanh từ Hòn Lao vào cửa Cồn Chà đến cầu Dục Thanh và hai bên tuyến đường dọc sông Cà Ty, lễ phóng đăng tại sông Cà Ty. Phần hội với không gian chính tại đường Trưng Trắc diễn ra từ ngày 1 - 8/8 với các hoạt động như hội chợ trưng bày, triển lãm, gian hàng ẩm thực; hội thi chèo, lắc thúng nam, nữ; hội hô bài chòi; biểu diễn nghệ thuật...
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cầu ngư cho biết, ngay sau khi thành phố ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội, Ban tổ chức đã thành lập 6 tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo thực hiện theo tập tục truyền thống. Đến nay công tác chuẩn bị cơ bản đảm bảo theo tiến độ và kế hoạch đề ra. Các lực lượng tham gia lễ hội đều được phân công theo dõi và giám sát công việc.
Việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Cầu ngư không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương mà còn hướng tới đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong, ngoài nước; nhất là năm nay Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 - Bình Thuận: Hội tụ xanh. Đây cũng là cơ hội để thành phố Phan Thiết quảng bá tiềm năng du lịch, những nét văn hóa đặc sắc đến với du khách trong nước và quốc tế.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và an toàn cho người dân và du khách luôn được đặt lên hàng đầu. Các tiểu ban đều có phương án và triển khai thực hiện việc thu gom rác thải; phân luồng giao thông và bố trí các bãi xe để tạo thuận lợi cho du khách tham quan, vui chơi. Đối với phần lễ chính, Ban tổ chức phối hợp với các lực lượng tổ chức bảo vệ đoàn rước Lệnh Ông Sanh; sắp xếp tàu, thuyền của ngư dân neo đậu đúng nơi quy định đảm bảo các hoạt động phần hội diễn ra trên sông Cà Ty.
Lễ hội Cầu ngư là lễ hội truyền thống, phản ánh đặc trưng tín ngưỡng ngư nghiệp, thể hiện khát vọng của ngư dân Bình Thuận cầu mong cho hoạt động kinh tế biển bình an và được mùa; lòng biết ơn biển, trong đó cá Ông và các vị hải thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, là chỗ dựa để họ đặt niềm tin và an tâm khi lao động trên biển. Với giá trị tiêu biểu đó, năm 2019, Lễ hội Cầu ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia./.