Văn hóa

Hà Giang: Nâng cao hơn nữa chất và lượng hướng dẫn viên du lịch

Hà Giang

Hiện nay, tổng số lao động trong ngành Du lịch Lào Cai khoảng 12.000 người, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 6.000 người.

Du khách tham quan, lưu trú tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ ,xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

TTXVN - Nhờ được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan hùng vĩ, nhiều địa danh khiến khách du lịch phải nao lòng ngay lần đầu đặt chân tới cùng sự chất phác, hiếu khách của người dân bản địa, mà Hà Giang trong những năm gần đây luôn là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, để phát triển du lịch một cách đúng hướng, bền vững, ngoài sự định hướng của lãnh đạo các cấp, các ngành, còn cần phải có được sự “hoạt động trơn tru” của các mắt xích trong chuỗi hoạt động phục vụ du lịch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, hiện nay, tổng số lao động trong ngành Du lịch là khoảng 12.000 người, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 6.000 người.

Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, sau 5 năm triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực đến hết năm 2022 đã mở được 47 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch cho trên 1.700 người. Số lao động được đào tạo tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý lưu trú, buồng, phòng, lễ tân, chế biến món ăn, dịch vụ du lịch tại các làng du lịch cộng đồng, tiếng Anh giao tiếp, hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 153 hướng dẫn viên được cấp thẻ đang hoạt động, trong đó, hướng dẫn viên tại điểm là 105 người, 45 hướng dẫn viên nội địa và 3 hướng dẫn viên quốc tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình đánh giá, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu tình hình thực tế. Hiện nay, du lịch Hà Giang đang phát triển rất mạnh, nên cần phải có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, cũng như nguồn nhân lực phục vụ trong các lĩnh vực về dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, đảm bảo số lượng, chất lượng và nâng cao nhiệm vụ thực hiện việc đón du khách tới Hà Giang.

Thực tế, thời gian qua, du lịch Hà Giang đã xuất hiện tình trạng một số lái xe chở khách du lịch nhưng lại hướng dẫn, giới thiệu cho du khách những điểm đến, địa danh lịch sử… như trên cương vị của một hướng dẫn viên du lịch. Theo tâm lí chung của nhiều khách du lịch đều mong muốn người hướng dẫn, đồng hành cùng mình là người bản địa để có thể được hiểu, được chia sẻ, giới thiệu về những cảnh quan thiên nhiên, những địa danh văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của người dân bản địa, tuy nhiên, nếu không được đào tạo bài bản, thì rất khó để một “lái xe bản địa” ở khu vực này hiểu hết được văn hóa, tập tục văn hóa, di tích lịch sử… ở khu vực khác.

Bên cạnh đó, việc kĩ năng dẫn đoàn của những người nghiệp dư cũng sẽ không được chỉn chu, bài bản như một hướng dẫn viên được đào tạo chuyên nghiệp được cấp thẻ.

Điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đã được quy định rất rõ tại Khoản 1 Điều 59 Luật Du lịch 2017. Cụ thể, đối với thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa bao gồm: Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy; Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa.

Còn đối với quy định về cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, ngoài những điều quy định chung như đối với thẻ nội địa, thì còn cần phải: Tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế; Sử dụng thành thạo ngoại ngữ đăng ký hành nghề.

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang chia sẻ: Việc đào tạo nguồn nhân lực để trở thành hướng dẫn viên du lịch của tỉnh Hà Giang là hết sức khó khăn, bởi nhiều em là con em đồng bào dân tộc địa phương có thể đã học hết Trung học Phổ thông, hoặc mới học hết Trung học Cơ sở thôi nên việc đào tạo để cấp thẻ là rất khó.

“Chúng tôi cho rằng, việc này phải từng bước khắc phục, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương để tổ chức tuyên truyền vận động, tạo điều kiện để cho các em đi học các lớp bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ tốt hơn. Chúng tôi cũng mong muốn các địa phương phải chủ động hơn nữa về công tác phát triển du lịch hiện nay, để có được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đúng với tiêu chí, đúng với quy định của nhà nước”, bà Triệu Thị Tình cho biết thêm.

Hướng dẫn viên du lịch được ví như những cầu nối giúp khách du lịch hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán…và con người nơi đến tham quan, do đó mà vai trò của hướng dẫn viên du lịch là quan trọng. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức tốt, kĩ năng xử lý tình huống linh hoạt sẽ góp phần giúp những hình ảnh đẹp của du lịch nơi đó đi xa hơn thông qua khách du lịch và ngược lại.

Theo bà Triệu Thị Tình: “Đối với hướng dẫn viên du lịch của Hà Giang, chúng tôi thấy rằng cần và đủ phải có những người có hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, hiểu về câu chuyện về du lịch, điểm đến mà mình giới thiệu cho du khách, để giới thiệu cho du khách đúng những điểm khách đến tham quan, đây cũng là điểm chúng tôi tập trung tuyên truyền.”

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn du lịch tại điểm, tăng cường công tác phối hợp, quản lý để có được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ngày càng phát triển hơn, bà Triệu Thị Tình cho biết thêm./.

Nam Thái

Xem thêm