Văn hóa

Nguyễn Cửu Vân với những dấu ấn lịch sử trên vùng đất Tân An

Long An

Những giá trị vật thể và phi vật thể do Nguyễn Cửu Vân tạo dựng thời sinh tiền đang hiện hữu ở vùng đất Tân An và nhiều vùng khác ở Nam Bộ đã nói lên tầm vóc của một nhà quân sự tài năng, đức độ,

TTXVN - Ngày 19/7, tại Long An, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Long An phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Nguyễn Cửu Vân với những dấu ấn lịch sử trên vùng đất Tân An”. Nguyễn Cửu Vân có tên húy là Nguyễn Cửu Hành, một bậc đại công thần dưới thời chúa Nguyễn, một vị danh tướng có công lao to lớn trong việc mở mang vùng đất Tân An xưa.

Để có được một vùng đất Nam bộ nói chung và Tân An nói riêng, từ vùng “Rừng thiêng nước độc thú bầy” thành một vùng “Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn” trù phú, thịnh vượng như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công sức của nhiều bậc “Khai quốc công thần” lĩnh ấn tiên phong như Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên... trong đó có Danh tướng Nguyễn Cửu Vân - người được sử sách nhắc đến như một bậc Thượng đẳng công thần khai phá bờ cõi phía Nam.

Những giá trị vật thể và phi vật thể do Nguyễn Cửu Vân tạo dựng thời sinh tiền đang hiện hữu ở vùng đất Tân An và nhiều vùng khác ở Nam Bộ đã nói lên tầm vóc của một nhà quân sự tài năng, đức độ, không chỉ tiên phong thực hiện chính sách khai hoang, mở mang bờ cõi của Triều Nguyễn một cách cụ thể, ông còn là người hết mực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Các tham luận tại Hội thảo đã giúp các đại biểu nhận diện đầy đủ và làm phong phú hơn những tư liệu về cống hiến to lớn của Nguyễn Cửu Vân trong việc bảo vệ và khai mở bờ cõi phía Nam, trong đó có Long An. Dấu ấn đó vẫn còn được khắc ghi đậm nét trong chính sử và tâm thức người dân Nam bộ nói chung. Các tham luận chứa đựng hàm lượng khoa học cao, với cách tiếp cận đa chiều, nhiều tham luận có phát hiện mới về thân thế và sự nghiệp của danh tướng Nguyễn Cửu Vân, cùng tầm vóc, công lao của vị danh tướng này.

Có thể khẳng định Nguyễn Cửu Vân là bậc danh thần tài ba, có công lao lớn trong việc khai phá, xây dựng, bảo vệ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa vùng Nam Bộ. Riêng đối với vùng đất Tân An, ông không chỉ là người trực tiếp giúp Chúa Nguyễn thực hiện việc xác lập chủ quyền vùng đất Tân An vào lãnh thổ Đàng trong mà ông và hậu duệ đời sau của mình như Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Đàm còn ra sức đấu tranh, bảo vệ và phát triển vùng đất này.

Hội thảo làm rõ thêm thân thế, sự nghiệp, công lao của danh tướng Nguyễn Cửu Vân, thể hiện lòng tưởng nhớ, tự hào và tôn kính đến bậc tiền nhân. Đây cũng là cơ sở khoa học quan trọng góp phần giúp Ban tổ chức hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nguyễn Cửu Vân và những công lao đóng góp đối với vùng đất Long An”, đồng thời là nguồn tài liệu quý giúp cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, giảng dạy của học sinh, sinh viên và những người yêu mến danh tướng Nguyễn Cửu Vân.

Nhìn lại chặng đường lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Vũng Gù, mỗi người dân thành phố Tân An luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố năng động như ngày nay. Trong thời gian qua, thành phố Tân An luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ và việc đặt tên đường, trong đó, có con đường mang tên Nguyễn Cửu Vân được đặt ngay trung tâm thành phố Tân An, bên dòng Bảo Định gắn liền với tiểu sử của ông.

Thành phố đã quy hoạch và đề xuất xây dựng Công viên, tượng đài mang tên Nguyễn Cửu Vân bên dòng sông Bảo Định, mang tầm là một công trình điểm nhấn về di tích lịch sử - văn hóa của thành phố./.

Đức Hạnh

Xem thêm