Xã hội

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng

TP. Hồ Chí Minh

Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA), Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

TTXVN - Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Mình, chiều 15/9, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA), Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng.

Đây là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bản quyền sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.

Nhìn nhận thực tiễn, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, sự phát triển của internet và tiến bộ vượt bậc của công nghệ đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu, các đơn vị xuất bản truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng, rộng rãi hơn. Tuy nhiên, trước bối cảnh đó, năng lực quản lý Nhà nước, quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trình bày đề dẫn hội thảo. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Nguyên, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền; nhiều Hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào hỗ trợ doanh nghiệp và tác giả bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam vẫn còn khá phức tạp, các vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng ngày càng đa dạng và khó kiểm soát. Vấn đề bảo vệ bản quyền được coi là một trong hai trụ cột (cùng với văn hóa đọc) để thúc đẩy xuất bản Việt Nam phát triển. Các giải pháp bảo vệ bản quyền sách được triển khai đang gặp nhiều khó khăn do những thách thức mới của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số với sự phát triển các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng.

Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia cho rằng, thế giới kỹ thuật số rất dễ dãi đối với việc vi phạm bản quyền và sao chép bất hợp pháp. Có đến hơn 75% thành viên của Hội phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến, nhưng thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu không hề dễ dàng. Điều này gây ảnh hưởng lớn cho sự phát triển của các nhà xuất bản.

Thảo luận về thực trạng vi phạm bản quyền sách, các đại biểu cho rằng, đây không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào mà đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong ngành Xuất bản của nhiều nước. Tình trạng này có cả nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý Nhà nước, thực thi các quy định pháp luật... và nguyên nhân khách quan do tác động của bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ. Mỗi quốc gia đều đã có những biện pháp cụ thể, nhưng chưa thể giải quyết tận gốc vấn nạn vi phạm bản quyền sách.

Các đại biểu cho rằng, vấn nạn vi phạm bản quyền sách cần sớm được ngăn chặn để bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo giá trị tri thức và cũng chính là bảo vệ bạn đọc. Để làm được điều này, các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến thực thi nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ bản quyền, nhận diện sách giả, sách lậu sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền trong thời gian tới. Thành viên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á sẽ nỗ lực phối hợp cùng nhau đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với hành vi vi phạm bản quyền./.


Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm