Hội nghị khoa học toàn quốc Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam diễn ra hết ngày 7/4 với hàng chục báo cáo được trình bày liên quan đến chuyên ngành hồi sức - hô hấp, tiêu hóa - nội tiết, huyết học - dinh dưỡng…
TTXVN - Ngày 6/4, hơn 800 chuyên gia, y, bác sỹ từ nhiều cơ sở y tế và hệ thống khám chữa bệnh trên cả nước đã về tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế tham dự Hội nghị khoa học toàn quốc Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam lần thứ 23.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, hội nghị diễn ra trong bối cảnh đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới với nhiều biến chuyển trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cho cả ngành Y tế như: tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm; cung cấp vật tư tiêu hao, phụ tùng trang thiết bị y tế chậm được giải quyết và số bệnh nhân tăng lên sau dịch COVID-19 khiến hệ thống khám, chữa bệnh quá tải. Hội nghị nhằm tập huấn nâng cao kiến thức, truyền đạt kinh nghiệm cho đội ngũ y, bác sỹ trẻ trên toàn quốc.
Hội nghị khẳng định uy tín, chất lượng chuyên môn với 137 bài báo cáo tập trung vào 14 chủ đề chuyên môn, quản lý như nhiễm khuẩn, cấp cứu, điều dưỡng…
Nhiều báo cáo liên quan chủ đề tim mạch - sốc thu hút đông đảo sự quan tâm của các chuyên gia, y, bác sỹ cập nhật một số nghiên cứu trong xử trí cơn bão điện thế; chiến lược sử dụng lợi tiểu trong hồi sức theo khuyến cáo của Hội Tim mạch châu Âu...
Trong những thập kỷ qua, đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong hồi sức tim mạch, đặc biệt là kỹ thuật can thiệp mạch vành cấp cứu đã giúp giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân choáng tim đã được can thiệp mạch vành cấp cứu thành công vẫn không đáp ứng với các biện pháp hồi sức tim mạch tích cực. Vấn đề được đặt ra là cần một biện pháp hỗ trợ tuần hoàn cơ học tạm thời chờ cơ tim hồi phục sau choáng tim.
Bác sỹ chuyên khoa II Thái Minh Thiện (Bệnh viện Tim Tâm Đức) chia sẻ, ECMO động tĩnh mạch giúp cải thiện rõ tình trạng huyết động kết cục chung của bệnh nhân choáng tim do nhồi máu cơ tim cấp nên ngày càng được sử dụng rộng rãi tại các khoa hồi sức tim mạch. Tuy nhiên, phương pháp này gây nên tình trạng quá tải thất trái dẫn đến phù phổi và tăng tỷ lệ tử vong. Phối hợp ECMO động tĩnh mạch và bóng đối xung nội động mạch chủ giúp giảm tình trạng phù phổi, giảm tải thất trái từ đó giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp biến chứng choáng tim có sử dụng ECMO động tĩnh mạch.
Trong chuyên ngành Hồi sức tích cực, các lựa chọn thuốc chống đông máu phổ biến nhất cho liệu pháp thay thế thận liên tục bao gồm heparin không phân đoạn, thuốc chống đông máu citrate khu vực hoặc có thể không sử dụng chống đông trong một số trường hợp. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là có sự tồn tại của rung nhĩ, nhồi máu cơ tim cấp có hoặc không có can thiệp đặt stent động mạch vành, có sử dụng thêm các thuốc chống huyết khối khác như thuốc kháng vitamin K, thuốc chống đông đường uống trực tiếp, thuốc kháng kết tập tiểu cầu, việc lựa chọn chiến lược dùng thuốc chống đông cho liệu pháp thay thế thận liên tục trở thành vấn đề rất phức tạp. Việc lựa chọn chiến lược sử dụng chống đông cho nhóm bệnh nhân này cần dựa trên các tình huống lâm sàng cụ thể.
Qua báo cáo “Chiến lược sử dụng lợi tiểu trong hồi sức theo khuyến cáo của Hội Tim mạch châu Âu, bằng chứng về giá trị của Natri niệu”, Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Sơn Lâm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) tổng hợp các bằng chứng, hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch châu Âu và Hoa Kỳ để định hướng việc sử dụng chống đông máu trong thuốc chống đông máu phổ biến cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp và rung nhĩ dưới góc nhìn của chuyên ngành tim mạch.
Hội nghị diễn ra đến hết ngày 7/4 với hàng chục báo cáo được trình bày liên quan đến chuyên ngành hồi sức - hô hấp, tiêu hóa - nội tiết, huyết học - dinh dưỡng…/.