Giáo dục

Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh

Hà Nam

Hà Nam đã có 47,7% trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.

Các học sinh trường THCS Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý học tập, trải nghiệm thực tế tại Trường Cao đẳng Công nghệ kinh tế và chế biến lâm sản Hà Nam. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

TTXVN - Phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở là giải pháp tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm hướng nghiệp cho các em, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc Trung học Phổ thông. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nam đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp Trung học Cơ sở trên địa bàn.

Các học sinh trường THCS Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý học tập, trải nghiệm thực tế tại Trường Cao đẳng Công nghệ kinh tế và chế biến lâm sản Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa – TTXVN

Tại Trường Trung học Cơ sở Thanh Tuyền (thành phố Phủ Lý), định kỳ mỗi tháng, học sinh khối 9 sẽ có một tiết học giáo dục hướng nghiệp do Ban Giám hiệu nhà trường trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường còn kết hợp với các trường Cao đẳng nghề đóng trên địa bàn để tư vấn, hướng nghiệp và khảo sát thực tế. Qua đó, các em đã được định hướng kỹ năng chọn trường, chọn ngành nghề đúng nguyện vọng, phù hợp năng lực bản thân; được giới thiệu các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo của trường. Đồng thời, các em có thêm định hướng để xác định, lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân. Em Nguyễn Diệu Linh (Lớp 9A Trường Trung học Cơ sở Thanh Tuyền) cho biết, qua tư vấn, phân tích của thầy cô về chương trình học ở bậc Trung học Phổ thông và học chương trình học nghề, em và các bạn đã biết được những ưu điểm của từng trường; từ đó, nhìn nhận khả năng của bản thân để đăng ký phù hợp.

Giờ học giáo dục hướng nghiệp cho các học sinh khối lớp 9 trường THCS Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Cô Nguyễn Thị Ngọc Liên, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Thanh Tuyền cho biết thêm, sau những giờ dạy trực tiếp trên lớp và tổ chức tham quan thực tế, nhà trường đã tư vấn, hướng nghiệp giúp các em theo học đúng khả năng. Ban Giám hiệu và cô chủ nhiệm tổ chức các cuộc họp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền rõ chủ trương, đường lối của ngành và khả năng của từng học sinh. Điều này đã được các phụ huynh đồng tình ủng hộ cao. Qua đó, một số phụ huynh và học sinh mong muốn đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các trường Cao đẳng nghề.

Việc thực hiện định hướng nghề nghiệp sớm giúp học sinh xác định rõ mục tiêu phấn đấu, tập trung phát huy lợi thế của bản thân, quyết định lựa chọn công việc phù hợp; đồng thời, góp phần chuyển biến mạnh mẽ về công tác phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam, trong 2 năm gần đây, số học sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông giảm nhẹ, số học sinh học nghề tăng lên. Cụ thể: Năm 2021, tỷ lệ học sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông là 66,6%; tỷ lệ học sơ cấp, trung cấp nghề là 28,28%. Năm 2022, tỷ lệ này lần lượt là 64,46% và 30,46%. Điều này cho thấy, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh ngày càng có chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cho biết, Sở chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập một tổ tư vấn hướng nghiệp; hướng dẫn các trường Trung học Cơ sở phối hợp với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các cấp, các trường Trung cấp trên địa bàn tổ chức dạy nghề phổ thông. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 47,7% trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Việc tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp tại các nhà trường đã góp phần thay đổi nhận thức của cả học sinh, phụ huynh học sinh về việc chọn trường, nghề trong tương lai.

Thời gian tới, Hà Nam tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân và toàn xã hội về lợi ích của việc học nghề và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở trong giải quyết việc làm; tăng cường trao đổi thông tin, đổi mới hình thức, nội dung công tác giáo dục tư vấn hướng nghiệp; từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp trong các trường; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp… Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học lớp 10 Trung học Phổ thông của Hà Nam là 60%, tỷ lệ học sinh học theo học trình độ sơ cấp, trung cấp nghề đạt ít nhất 40%./.

Đại nghĩa

Xem thêm