Hội nhập

Nâng cao nhận thức về mục đích cao cả của sứ mệnh gìn giữ hòa bình

Mỗi cán bộ, nhân viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phải có trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện; thông thạo ngoại ngữ, hiểu biết về luật pháp quốc tế, quy định của Liên hợp quốc.

Thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và những cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt việc lựa chọn nhân sự, triển khai nhiều biện pháp bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, trau dồi các kỹ năng cho cán bộ, nhân viên trước khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; gắn việc giáo dục nhiệm vụ với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87-CT/QUTW ngày 8/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đại diện các sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam lên máy bay tiễn các nữ quân nhân lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. 
Ảnh: TTXVN

Theo đó, mỗi cán bộ, nhân viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phải có trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện; thông thạo ngoại ngữ, hiểu biết về luật pháp quốc tế, quy định của Liên hợp quốc, phong tục, tập quán, đất nước, con người của nước sở tại; nắm vững các mặt công tác hậu cần, kỹ thuật và kỹ năng sử dụng các trang, thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn khắt khe của Liên hợp quốc.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn, lực lượng “mũ nồi xanh” của Việt Nam đã xây dựng, duy trì tốt mối quan hệ với người dân cũng như chính quyền địa phương, tạo được nhiều thiện cảm, sự tin yêu, biết ơn của họ thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp cải thiện đời sống của người dân như: Dạy học, hướng dẫn làm nông nghiệp, đóng bàn ghế học sinh, làm nhà, dựng lớp học, khoan giếng, tặng máy phát điện, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí...

Cách tiếp cận mới đầy tính nhân văn, nhân đạo vì cộng đồng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được chỉ huy phái bộ và lãnh đạo Liên hợp quốc ghi nhận như một sáng kiến, mô hình tham khảo tốt và được ví như “luồng gió mới” trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Nhằm phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Đảng ủy, Chỉ huy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các mặt công tác.

Trong đó, đáng chú ý là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên đặc biệt là lực lượng chuẩn bị triển khai tới các phái bộ về đường lối đối ngoại của Đảng, nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và sự cần thiết phải giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nói chung, lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói riêng nhận thức sâu sắc về tư duy mới trong đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Đặc biệt, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tập trung thực hiện tốt việc giáo dục, quán triệt làm cho cán bộ, chiến sĩ về “Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, “Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2014 - 2020 và những năm tiếp theo” và Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội “Về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”, từ đó nâng cao nhận thức về mục đích cao cả của việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Theo đó, việc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…”. Chủ trương này cũng thể hiện trong chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng, được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “… giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình”…

Đồng thời, việc Việt Nam tham gia thực hiện sứ mệnh nhân đạo – sứ mệnh gìn giữ hòa bình đã khẳng định, Việt Nam là bạn, là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội nhân dân và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thể hiện bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế của Quân đội ta.

Cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng hội nhập và tham gia thành công vào việc thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế trong môi trường đa quốc gia, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, phối hợp hoạt động đa chiều trên cấp độ toàn cầu./.

Tin liên quan

Xem thêm