Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín cho biết, anh đang viết sách về hình tượng ông Địa và bộ sưu tập này giúp anh có nguồn tư liệu thực tế sinh động.
TTXVN - Người xưa có câu “mùng 9 vía Trời, mùng 10 vía Đất”. Theo đó, mùng 10 Âm lịch vía Đất có thể xem là ngày “sanh thần” của ông Địa - một vị thần gần gũi với người dân, là nét đẹp văn hóa, biểu thị cho sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người ở vùng Nam Bộ từ thời khẩn hoang. Gần một thập kỷ tìm hiểu và yêu quý hình ảnh ông Địa, nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín đã sở hữu trên 400 bức tượng; trong đó, không ít tượng có tuổi đời hàng thế kỷ.
Nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín từ lâu được biết đến là một “ông đồ” tài hoa, nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu sâu về nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Anh cũng là nhà sưu tập tem với nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Dù bận rộn với vai trò là phụ trách ngành Du lịch, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhưng anh vẫn luôn dành thời gian cho thú vui sưu tập.
Nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi rất thích ngắm nhìn tượng ông Địa, hay tắm cho mấy ông. Lúc còn nhỏ, gia đình khó khăn, tôi nhớ mẹ vất vả đạp xe mang từng ông Địa mới ra chợ quê bán. Hình ảnh, ký ức đó đã hằn sâu, khiến tôi đam mê sưu tập những hiện vật về văn hóa dân gian, đặc biệt là hình tượng ông Địa”. Theo anh Tín, hình ảnh Ông Địa hiền lành, chất phác là biểu tượng cho tinh thần hào sảng, sự may mắn, niềm hy vọng, ước mơ của người dân trong quá trình lao động và sáng tạo.
Các chuyên gia văn hóa cho rằng, người Việt vốn xuất phát từ văn hóa gốc nông nghiệp, trồng trọt nên đất đai được xem là quan trọng nhất. Theo thuyết Ngũ hành, Thổ (đất) thuộc hành trung tâm, hành cai quản các phương. Có lẽ vì vậy, người làm nông nghiệp xem đất là tài sản duy nhất, ai có đất sẽ đồng nghĩa với việc có tài chính. Đây có thể là nguồn gốc phát sinh ngày Thần Tài với ý nghĩa Thổ sinh Kim (vàng). Do đó, vào ngày này, người dân thường đi mua vàng đầu năm.
Trong không gian trưng bày bộ sưu tập ông Địa của mình, anh Tín sắp xếp khoa học, phân loại tượng theo chất liệu gốm, đất nung, xi măng, thạch cao, gỗ… với nhiều hình dáng đa dạng về mẫu mã: Từ những tượng mini nhỏ nhất bằng ngón tay cái (4 cm) đến tượng cao to, thần thái (70 cm); từ những ông Địa ngồi thong dong, tự tại dưới đất, đến những ông Địa uy nghi bệ vệ ngồi trên ghế, hoặc ông Địa cưỡi hổ ngao du với gương mặt vui tươi, hóm hỉnh…
Anh Tín còn sưu tập được những viên đá tự nhiên mang dáng hình ông Địa. Bởi lẽ, trước khi có ông Địa, người Khmer ở Nam Bộ có tín ngưỡng thờ vị thần đất đai có tên là Neak Ta trong dân gian (hay còn gọi là ông Tà). Neak Ta có quyền năng cai quản trong phạm vi phum sóc hoặc một khu vực rộng lớn. Do đó, người dân đều tôn kính. Không có hình hài cụ thể như Thành Hoàng hay ông Địa, ông Tà chỉ có phần hồn, hình thể đơn giản là những hòn đá tròn, hoặc bầu dục - nhẵn to (hoặc vừa) tượng trưng cho linh hồn ông. Trong quá trình giao lưu văn hóa với người Khmer, người dân đã sáng tạo nên hình ảnh ông Địa với hình hài rõ nét hơn và mang ý nghĩa phồn thịnh.
Em Trần Văn Giang, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tham quan, tìm hiểu bộ sưu tập ông Địa của thầy Nguyễn Hiếu Tín là một trải nghiệm đặc biệt với em. Kiểu dáng, kích thước, chất liệu của từng ông Địa có “độ tuổi” khác nhau đều phản ánh nét văn hóa đặc trưng, đa dạng về tín ngưỡng thờ cúng của người Nam Bộ. Ông Địa gợi nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, nhưng đều là nét hồn hậu, đáng yêu, thân thuộc trong mọi gia đình ở vùng đất phương Nam”.
Nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín cho biết, trong những cách tạo hình ông Địa, anh đặc biệt yêu thích nhóm tượng ông cưỡi trên lưng ông Cọp hoặc dựa lưng vào ông Cọp. Theo anh, hình tượng này mang âm hưởng các loại cảnh tượng thần linh cưỡi cọp vốn rất phổ biến trong tranh thờ, tượng thờ; hoặc mô phỏng lại loại tượng “kỵ thú” của Phật giáo như: La Hán phục hổ, hay Bát tiên cưỡi thú... Tuy nhiên, cách lý giải thuyết phục hơn có lẽ hình tượng này phù hợp với tín ngưỡng dân gian ở Nam Bộ, liên quan đến hình tượng ông Cọp được tôn là “sơn quân chi thần” - xem như là người đứng đầu bảo hộ một khu vực núi non. Do vậy, hình tượng ông Địa cưỡi cọp hoặc dựa vào lưng cọp tự nó có một ý nghĩa là ông Địa đã thuần phục, khuất phục được ông Cọp bằng “kỹ năng giao tiếp”, “đàm phán” để có thể trở thành “tri âm, tri kỷ” mang lại sự an vui, hòa thuận cho dân làng. Đó cũng là ước mơ của người dân Nam Bộ từ thuở khai thiên lập địa. Sự kết hợp này tạo ra cặp đôi khá hoàn hảo Thổ Địa và Sơn Quân.
Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín cho biết, anh đang viết sách về hình tượng ông Địa và bộ sưu tập này giúp anh có nguồn tư liệu thực tế sinh động. Mỗi hình dáng, chất liệu tạo hình của ông Địa có thể giúp anh phán đoán được niên đại, lịch sử, tư duy của nghệ nhân dân gian khi sáng tạo tác phẩm. Trong tương lai, nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín hướng đến một không gian rộng hơn để bày trí ông Địa một cách chỉn chu hơn. Từ đó, có thể giới thiệu đến công chúng những nét đẹp văn hóa của dân tộc.../.