Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi của những người này. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 30/6 tới.
TTXVN - Theo kế hoạch, sáng 31/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả đối với 36 bị cáo về các tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.
Tuy nhiên, trước ngày diễn ra phiên tòa, một số luật sư và bị cáo trong vụ án có đơn đề nghị hoãn phiên tòa nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi của những người này. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 30/6 tới.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
Các bị cáo nguyên là cấp dưới của bị cáo Trần Hùng gồm: Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương (cựu Đội phó và Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị xét xử về tội “Môi giới hối lộ”. Nhóm các bị cáo còn lại gồm: Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), Nguyễn Mạnh Hà (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội)… bị đưa ra xét xử về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Vụ án này đã nhiều lần bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Sau khi tiến hành điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm cáo buộc bị cáo Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021, Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) cùng nhóm đặt in, nhập kho hơn 9,3 triệu quyển sách giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục, với tổng trị giá theo giá in trên bìa sách là hơn 260 tỷ đồng. Nhóm của Thuận đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị Công an thu giữ. Tổng số thu lời bất chính là hơn 30 tỷ đồng.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan điều tra phát hiện năm 2020, Thuận đã bị Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp Tổ 304 nơi bị cáo Trần Hùng làm Tổ trưởng kiểm tra, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả.
Vụ việc đủ dấu hiệu chuyển Cơ quan điều tra giải quyết nhưng bị cáo Hùng đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và đội Quản lý thị trường số 17 xử lý hành chính.
Thuận đã nhắn tin, điện thoại cho bị cáo Hùng nhờ giúp đỡ xin xử lý nhẹ vụ việc. Bị cáo Hùng đồng ý bỏ qua với yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Sau đó, bị cáo Thuận tiếp tục liên hệ với Nguyễn Duy Hải đặt vấn đề chi tiền cho bị cáo Hùng để xin xử lý nhẹ vụ việc.
Trần Hùng đã hướng dẫn Hải về nói với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ “sách mua bị thu giữ” sang “sách do người khác mang đến ký gửi” để được giảm nhẹ.
Ngày 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi ni lông màu đen đến phòng làm việc của Hùng. Tại đây, Hải gọi điện để bị cáo Hùng nói chuyện với Thuận, nghe cụ thể hướng dẫn về cách khai báo. Sau đó, Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính vụ buôn sách lậu.
Quá trình điều tra, bị cáo Hùng không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng căn cứ lời khai các đối tượng khác trong vụ án, các dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại, kết quả thực nghiệm điều tra… đủ cơ sở xác định bị cáo Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng để xử lý nhẹ vụ buôn sách lậu./.