Đây cũng là dịp nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện, vận dụng sáng tạo thực hành văn hóa nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TTXVN - "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" sẽ diễn ra từ ngày 14 - 19/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là hoạt động thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số.
Ngày hội có sự tham gia của khoảng 200 người thuộc 17 cộng đồng dân tộc của 15 tỉnh, thành phố; 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
Qua đó, cơ quan chức năng nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện, vận dụng sáng tạo thực hành văn hóa nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản vì mục tiêu chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó để xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.
Diễn đàn văn hóa với chủ đề "Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" là hoạt động chính trong "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam". Sự kiện diễn ra ngày 15/4 tại Nhà chiếu phim, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây sẽ là hoạt động thiết thực triển khai hiệu quả những nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2030; Kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương Văn hóa Việt Nam" và 15 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Dự kiến sẽ có khoảng 40 tham luận, hai talk show, trưng bày hình ảnh về sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam kết hợp với thực hành di sản và nghề thủ công truyền thống. Bên cạnh đó là hoạt động trình diễn một số di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong khuôn khổ Ngày hội, Ban Tổ chức thực hiện Triển lãm giới thiệu bộ sưu tập hiện vật về văn hóa các tộc người. Phần này sẽ trưng bày các hiện vật văn hóa gắn với đời sống sinh hoạt của tộc người tại địa phương, đặc biệt qua nhạc cụ dân tộc kết hợp thao tác, trình diễn, đời sống sinh hoạt, sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào… Mỗi hiện vật chứa đựng câu chuyện văn hóa, linh hồn của tộc, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân tộc trong việc lan tỏa sâu rộng ý nghĩa của các giá trị văn hóa dân tộc.
Cùng với trưng bày, đồng bào các dân tộc sẽ tái hiện nhiều nghi lễ văn hóa độc đáo, riêng có. Cụ thể, đồng bào dân tộc Mạ tỉnh Lâm Đồng tái hiện nghi lễ nông nghiệp truyền thống "Mang lúa về kho" (Nhô Yàng kòi). Lễ hội này thường diễn ra vào tháng 10 âm lịch hàng năm, thời điểm đã thu hoạch xong vụ mùa. Đây là lễ hội lớn, quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mạ; nhằm tạ ơn các thần, Yàng đã phù hộ cho buôn làng vụ mùa bội thu.
Đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây. Người Khmer dùng Phật lịch để tính ngày tháng, ngày bắt đầu năm mới sẽ được tổ chức đầu tháng Chét (tháng 4 dương lịch). Đây là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp của đồng bào Khmer; không chỉ là thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để đồng bào tưởng nhớ tổ tiên. Tết Chôl Chnăm Thmây cũng là ngày tết quan trọng nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ (Việt Nam).
Đồng bào Ê Đê tỉnh Đắk Lắk sẽ tái hiện Lễ cúng ché và giới thiệu bộ sưu tập ché độc đáo. Theo quan niệm của người Ê Đê, trong mỗi chiếc ché đều có một linh hồn. Ché không đơn thuần chỉ là hiện vật mà còn mang tính linh thiêng. Ché là vật dụng thể hiện sức mạnh của dòng tộc, tham gia vào dịp lễ giúp gắn kết cộng đồng, dòng họ. Do đó, người Ê Đê luôn làm lễ cúng báo với thần linh mỗi khi mua ché về hoặc khi có sự thay đổi liên quan đến ché.
Lễ Chá mùn của dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ được tái hiện tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen. Tổ tiên của người Thái đen từ xa xưa đều tin vào ông Then - nhân vật có quyền tối cao làm được tất cả mọi việc, trong đó có sự sống của vạn vật. Trong lễ hội, lễ vật cúng là sản vật như hoa, quả, xôi, thịt lợn, thịt gà... Ngoài ra, trong lễ hội còn phải có cây bông được các nghệ nhân làm từ cây nứa. Thông qua lễ hội, người dân gửi gắm những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc và cũng là dịp để cộng đồng giao lưu văn hóa, văn nghệ, vun đắp, gìn giữ những nét đẹp về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ứng xử.
Cộng đồng các dân tộc hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ giới thiệu, tái hiện các nghi lễ, trang phục, dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, trò chơi, phong tục tập quán… tại chính ngôi làng của dân tộc được xây dựng tại Làng./.