Múa sư tử mèo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn di sản này càng được các cấp, ngành và người dân quan tâm giữ gìn.
Múa sư tử mèo là di sản văn hóa đậm bản sắc của xứ Lạng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, thể hiện khát vọng về sự may mắn, sung túc.
Múa sư tử mèo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn di sản này càng được các cấp, ngành và người dân quan tâm giữ gìn. Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Tày, Nùng - hai dân tộc chiếm trên 80% dân số của tỉnh. Sư tử mèo còn mang biểu tượng của may mắn, uy phong, tinh thần thượng võ, đi đến đâu sẽ mang thịnh vượng, hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Vì thế, vào ngày đầu năm mới đồng bào Tày, Nùng thường mời các đội múa sư tử vào nhà múa với quan niệm sư tử xuất hiện sẽ xua đuổi tà ma, diệt mọi ôn dịch, mang lại một năm mới thái bình, an vui.
Múa sư tử mèo gồm nhiều thành tố như âm nhạc, mỹ thuật, múa… có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác thể hiện sinh động về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của người Tày Nùng, gắn liền với những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện. Những giá trị này đã tạo nên bản sắc văn hóa được cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Múa sư tử mèo có những vật dụng, đạo cụ đặc trưng không thể thiếu như mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ); chiêng (là), chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả); đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn. Các nhạc cụ dùng trong múa sư tử mèo khá đa dạng, gồm trống, chiêng, chũm chọe. Mỗi nhạc cụ có một âm thanh khác nhau, nhưng khi hòa tấu trở thành một dàn nhạc dân tộc rất độc đáo, đặc sắc. Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử mèo có nhiều bài múa cho phù hợp như múa chào thần thánh, bái tổ, cầu may, múa tại hội lồng tồng, nhào lộn qua vòng lửa…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn Phan Văn Hòa cho biết, để gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản múa sư tử mèo, ngành văn hóa đã nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin, tư liệu về di sản múa sư tử mèo; tạo không gian thực hành múa sư tử mèo tại các lễ hội, sự kiện văn hóa; thi múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030”; trong đó chú trọng khuyến khích, vận động các nghệ nhân quan tâm truyền dạy di sản múa sư tử mèo cho thế hệ trẻ.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 30 lớp truyền dạy múa sư tử, thu hút gần 200 học viên tham gia, với khoảng 40% số học viên thuộc độ tuổi thanh thiếu niên, thiếu nhi. Các lớp truyền dạy đã góp phần thúc đẩy, lan tỏa phong trào múa sư tử mèo trong cộng đồng các dân tộc Tày - Nùng.
Toàn tỉnh hiện có gần 100 đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng với gần 1.000 thành viên (tăng 20% so với năm 2020). Tính riêng từ năm 2020 đến nay, tỉnh tăng thêm 10 đội, câu lạc bộ múa sư tử mèo với các thành viên chủ yếu trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Tiêu biểu như các đội múa sư tử mèo xã Hồng Phong, huyện Bình Gia; thôn Tồng Riềng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc; xã Yên Phúc, huyện Văn Quan…
Ông Lý Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho hay, nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản múa sư tử mèo, xã khuyến khích các thôn, nhà trường thành lập các câu lạc bộ, đội múa sư tử. Các trường Mẫu giáo, Tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn xã đều đưa việc giáo dục di sản văn hóa, đặc biệt là múa sư tử mèo vào các tiết học ngoại khóa. Tại phòng truyền thống của các trường học đều dành một gian trưng bày tranh ảnh và đầu sư tử mèo.
Các hoạt động này đã góp phần làm tăng hiểu biết, tạo tiền đề cho các em thêm yêu quý và mong muốn được tiếp nối di sản văn hóa múa sư tử mèo của dân tộc mình. Song song với sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chuyên môn, các nghệ nhân, các câu lạc bộ múa sư tử cũng chủ động trong việc trao truyền giá trị văn hóa truyền thống này đến thế hệ trẻ.
Anh Linh Văn Chiến, Đội trưởng đội múa sư tử mèo xã Yên Phúc, huyện Văn Quan chia sẻ, Đội múa sư tử mèo của xã được thành lập từ năm 2018 với 8 thành viên. Từ tháng 5/2024, Đội đã mở lớp truyền dạy múa sư tử mèo và kết nạp thêm 9 thành viên từ 11 - 12 tuổi.
Với sự chung tay của các cấp, ngành cũng như các nghệ nhân, di sản văn hóa phi vật thể múa sư tử mèo đang được thế hệ kế cận có đam mê, kiến thức, kỹ năng để bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tày - Nùng xứ Lạng./.