Văn hóa

Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang

Kiên Giang

Các hoạt động diễn ra trong Ngày hội năm nay được tổ chức quy mô lớn và chất lượng hơn, khắc họa, tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer.

Các đội đua ghe ngo tranh về đích. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

TTXVN - Ngày 27/11,  Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XV năm 2023 đã diễn ra tại bờ sông Cái Lớn thuộc huyện Gò Quao.

Sự kiện diễn ra từ ngày 25 - 28/11, đúng vào lễ hội Ok-Om-Bok  (còn gọi Lễ cúng trăng, lễ đút cốm dẹp của đồng bào Khmer(. Tại tỉnh Kiên Giang, từ năm 2007, lễ Ok-Om-Bok được nâng lên tổ chức thành Ngày hội, nhờ vậy ngày càng lan tỏa, mang tính xã hội hóa cao, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự.

Bên cạnh lễ cúng trăng theo nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, các hoạt động văn nghệ, thể thao năm nay được tổ chức quy mô lớn như: biểu diễn văn nghệ; hội thi "Duyên dáng Khmer và trình diễn nhạc ngũ âm năm 2023"; thi làm dàn thủy lục đẹp; trưng bày ảnh, hiện vật đồng bào dân tộc Khmer; triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách; hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm địa phương; các giải thể thao cấp tỉnh, cấp huyện… với sự tham gia của gần 3.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh.

Trong các hoạt động, đua ghe ngo thu hút sự chú ý của nhân dân nhiều nhất. Hoạt động đua ghe ngo có 22 đội đua ở các huyện trong tỉnh tham gia thi đấu các cự ly 800m nam, 1.200m nam và 800m nam, nữ phối hợp. Các hoạt động diễn ra trong Ngày hội năm nay được tổ chức quy mô lớn và chất lượng hơn, khắc họa, tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer.

Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, Ngày hội được tổ chức quy mô với nhiều nội dung hấp dẫn, dự kiến thu hút khoảng 300.000 lượt người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, cổ vũ. Thông qua việc tổ chức Ngày hội nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong tỉnh trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày hội là dịp tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer với đồng bào cả nước, để đồng bào các dân tộc có dịp gặp gỡ, giao lưu, tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới với các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"./.

Lê Sen

Xem thêm