Môi trường

Ngày Môi trường thế giới (5/6): Ô nhiễm môi trường - thách thức lớn với Thủ đô Hà Nội

Hà Nội

Thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, nhưng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt áp lực ngày càng lớn về tốc độ đô thị hóa nhanh đã tác động tiêu cực đến môi trường.

Dù thường xuyên được nạo vét nhưng nhiều tuyến mương trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tình trạng ngập ngụa rác thải. 
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Là một trong hai trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước, Thủ đô Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền Hà Nội về phát triển đô thị nhưng vẫn bảo vệ được môi trường. Tới đây, khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đặc thù bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

* Ô nhiễm môi trường - thách thức lớn

Hà Nội hiện có tổng dân số gần 9 triệu người, mật độ dân số cao gấp 8,2 lần so với cả nước. Mặc dù thành phố đã tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, nhưng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt áp lực ngày càng lớn về tốc độ đô thị hóa nhanh đã tác động tiêu cực đến môi trường.

Đánh giá của các cơ quan chức năng cũng như từ thực tiễn cho thấy, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải sinh hoạt, phế thải xây dựng đã gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nan giải này là do gia tăng lượng chất thải sinh hoạt, trong khi đó, việc thu gom và xử lý chưa triệt để. Trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ thu gom, xử lý đạt 80 - 85%. Số rác thải tồn đọng bị vứt đổ bừa bãi tại các kênh, mương, ao hồ hay các khu đất trống, ven trục đường giao thông... dẫn đến môi trường bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.

Nước sinh hoạt của các hộ dân xả thẳng ra mương thoát nước ngõ 72 phố Lĩnh Nam. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng nước thải sinh hoạt. Với tổng lượng nước thải hằng ngày khoảng 320.000m3, trong đó có 1/3 là nước thải công nghiệp (hầu hết nước thải sinh hoạt chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các sông, hồ) khiến một số con sông ở Hà Nội trở thành dòng sông "chết" do bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân.

Vấn đề cấp bách nữa với thành phố là tình trạng ô nhiễm môi trường không khí khi Hà Nội luôn bị xếp trong "top" những thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới. Các kết quả quan trắc gần đây cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.           

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) Lưu Thị Thanh Chi cho biết, có nhiều nguyên nhân tác động đến chất lượng không khí của thành phố. Đáng chú ý, với trên 40% dân số đô thị, 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy, hơn 600.000 ô tô. Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu cùng tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát; tình hình biến đổi khí hậu, việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường... đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển đô thị văn minh.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, vấn đề ô nhiễm môi trường đất của Hà Nội hiện nay đang ngày càng gia tăng bởi tác động của các chất thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hóa, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải; các chất độc hóa học tồn lưu; nước thải ngấm vào đất, gây ô nhiễm môi trường đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hóa học trong đất. Tại khu vực đô thị, chỉ có khoảng 15% số bãi chôn lấp chất thải rắn bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Nước rỉ từ các hầm ủ, bãi chôn lấp không được xử lý sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm…

* Ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh gây ô nhiễm

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường nhằm ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xác định cụ thể các "điểm đen", khu vực ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải; đặc biệt là phân công rõ trách nhiệm cho các cấp, ngành, đơn vị có liên quan, công tác bảo vệ môi trường bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tình trạng ô nhiễm kéo dài tại 1,2 km mương Kẻ Khế tại quận Ba Đình khiến hàng nghìn hộ dân ở dọc con mương này nhiều năm nay vẫn phải sống chung với rác thải. 
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, hiện tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế hằng ngày của thành phố đạt gần 100%; cơ bản xử lý xong ô nhiễm nguồn nước tại các hồ nội thành; hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động. Hà Nội đã xóa được 96,23% lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70 - 90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch; xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt nội thành và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, hạn chế xả thẳng ra môi trường.

Để nâng cao chất lượng môi trường theo hướng bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, Hà Nội tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường sao cho phù hợp với thực tế và theo quy định đặc thù của Luật Thủ đô; đồng thời, tập trung lập quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là ở các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo đảm 100% có hệ thống xử lý nước thải phục vụ việc di chuyển các làng nghề đang hoạt động trong khu dân cư.

Rác thải trôi nổi trên sông Kim Ngưu. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Cùng với đó, khẩn trương áp dụng công nghệ mới về xử lý ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống hồ, ao; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; triển khai thực hiện đề án cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy; từng bước làm "sống lại" các sông: Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Tích... Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý nước thải theo hướng nước thải phải được thu gom xử lý tại đầu nguồn, khắc phục tình trạng xử lý nước thải cuối nguồn như hiện nay.

Song song với các giải pháp trên, các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân; chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ môi trường Thủ đô.

* Đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lưu Thị Thanh Chi cho biết, kế thừa những cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường của Trung ương, thành phố Hà Nội và các quy định trong Điều 14 Luật Thủ đô 2012, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường, nhấn mạnh các biện pháp xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 2 nạo vét bùn đất, trục vớt rác thải để khơi thông dòng chảy tại khu vực mương thoát nước Dịch Vọng.
 Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Theo đó, Hà Nội sẽ quyết liệt trong việc thực hiện di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài, sử dụng quá tải; cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm... Đáng chú ý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đề xuất bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Để giảm ô nhiễm không khí, tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng xác định phải có sự phối hợp giữa Hà Nội với các địa phương khác trong vùng Thủ đô; có các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh, trồng rừng, xử lý rác thải, nước thải, dịch vụ môi trường…

Theo Kế hoạch quản lý chất lượng không khí Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Hà Nội đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng vừa có Công điện yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong thu gom, tập kết và vận chuyển rác thải, không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng phương án, kế hoạch vận hành đối với 2 Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn và Xuân Sơn phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo tiếp nhận, xử lý rác thải liên tục, không bị gián đoạn, không để xảy ra ùn tắc các phương tiện vận chuyển rác thải; kiên quyết không tiếp nhận phương tiện vận chuyển không đúng địa bàn, không đúng chủng loại chất thải../.

Nguyễn Minh Nghĩa

Tin liên quan

Xem thêm