Khoa học

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4): Sở hữu trí tuệ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Hà Nội

Nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, nâng cao nhận thức về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích sự đổi mới sáng tạo cho cộng đồng

Quang cảnh hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

TTXVN - Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn với chủ đề “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, sáng 22/4, tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới.

Hoạt động được tổ chức với mục đích giới thiệu, quảng bá, nâng cao nhận thức về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích sự đổi mới sáng tạo cho cộng đồng Thủ đô nói chung, nhằm tôn vinh và khuyến khích tất cả những người phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo để hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ, giải phóng sự khéo léo, sáng tạo của phụ nữ và trẻ em gái, cùng nhau xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn.

Tại Lễ hưởng ứng, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhiều sáng tạo của phụ nữ thực sự góp phần cải biến thế giới, hơn nữa còn cứu sống hàng triệu con người trong đại dịch COVID-19. Chính những nỗ lực của phụ nữ, trong hoạt động đổi mới và sáng tạo thời gian qua đã làm thay đổi căn bản định kiến về vấn đề “giới”, phủ nhận quan điểm lỗi thời cho rằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không phải là địa hạt dành cho phụ nữ.

Ông Đinh Hữu Phí cho rằng, với những hành động thiết thực hơn cùng thông điệp “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ: Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo”, khoảng cách về giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng dần dần được thu hẹp. Các nhà khoa học, doanh nhân nữ và đặc biệt là các bạn sinh viên nữ - những chủ nhân tương lai của đất nước - sẽ không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo để tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, phụ nữ Thủ đô đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong số đó, có nhiều phụ nữ được nhận các giải thưởng quốc gia, quốc tế danh giá như: Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Kovalevskaya... Nhiều phụ nữ đã tham gia chủ trì, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các dự án sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thủ đô. Từ năm 2021 đến nay, phụ nữ Thủ đô đã chủ trì trên 43 trong tổng số 73 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thành phố Hà Nội đã quan tâm chú trọng thực hiện các giải pháp về phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, bảo hộ cho những người sản xuất, kinh doanh. Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa của sản phẩm. Đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) đã hướng dẫn và tiếp nhận 25 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề xuất thực hiện từ năm 2022; rà soát và lựa chọn 23 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt và thực hiện bao gồm: 16 nhãn hiệu tập thể, 6 nhãn hiệu chứng nhận, 1 chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, Phòng cũng hướng dẫn và tham mưu lãnh đạo Sở trình UBND thành phố cho phép sử dụng 3 địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiến hành thủ tục bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ....

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, đến hết tháng 11/2022, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 12.194 đơn, chiếm 34,6% và đứng đầu cả nước. Số lượng bằng/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp đến hết tháng 11/2022 trên địa bàn thành phố là 10.326, chiếm 33% và đứng thứ hai cả nước...

Trong khuôn khổ sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 đã diễn ra Tọa đàm "Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo", các diễn giả trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo của phụ nữ, đặc biệt khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ, gia tăng giá trị cho công việc của họ.../.

Nguyễn Cúc

Tin liên quan

Xem thêm